Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thư viện Bác Hồ của người đàn ông giữ xe ở miền Tây

Tiền có được từ nghề giữ xe, anh Nhung sử dụng vào việc sưu tầm tư liệu, hình ảnh Bác Hồ. Căn nhà nhỏ của gia đình trở thành nơi trưng bày nhiều tư liệu quý về vị Cha già dân tộc.

Lớn lên ở ấp Xóm Đồng 1, xã Thới An Hội (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn sâu vào tiềm thức Nguyễn Văn Nhung qua lời kể của ngoại. 40 năm trước, thiếu niên 16 tuổi nhìn thấy ảnh Bác Hồ trong ba lô của một anh bộ đội về phép. Từ đó, Nhung nảy sinh ý định sưu tầm ảnh Bác.

Những ngày đầu giải phóng, xã vùng xa Thới An Hội không dễ tìm báo để đọc. Hàng ngày, anh Nhung đạp xe hàng chục cây số tìm xin sách báo ở trường học, ủy ban xã rồi mang về dò tìm tư liệu, hình ảnh về Bác.

1
Chiếc tủ chứa nhiều hình ảnh, sách báo viết về Hồ Chủ tịch. Ành: Việt Tường.

Thấy chồng đam mê, vợ anh Nhung tiết kiệm vài nghìn tiền bán bún để mỗi tháng anh mua báo cũ phục vụ cho việc sưu tầm. Những ngày lễ lớn và sinh nhật Bác là lúc anh tìm được nhiều bài viết, hình ảnh quý về Người.

Trong chiếc tủ trước nhà, anh Nhung cất giữ gần 3.000 bức ảnh với hàng nghìn bài viết về vị Cha già dân tộc. Tư liệu quý này được chủ nhân phân loại theo từng giai đoạn lịch sử. 

Trên các vách tường, có đến 80% chân dung Hồ Chủ tịch được anh thuê người in lụa, phóng lớn treo lên. Còn lại là hình ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đại tướng Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ.

"Mấy năm nay ủy ban xã tạo điều kiện cho tôi giữ xe trong chợ, mỗi ngày kiếm được gần 100.000 đồng. Nhờ số tiền này mà tôi có điều kiện in lụa, đóng khung hình ảnh Bác treo trong nhà", anh Nhung chia sẻ.

Theo anh Nhung, lần sưu tầm hình ảnh Bác nhiều nhất là hơn chục năm trước khi Trung tâm Văn hóa triển lãm Sóc Trăng mang 100 tấm ảnh khổ 25x30 cm của Hồ Chủ tịch xuống triển lãm. 

Anh say sưa ngắm rồi đọc những bài thơ viết về Người gắn liền với thời điểm ra đời của từng bức ảnh cho nhiều người nghe. Vậy là sau khi kết thúc triển lãm, ban tổ chức tặng anh cả bộ ảnh quý.

3
Trên vách nhà có rất nhiều hình ảnh Bác được anh Nhung phóng to, in lụa. Ành: Việt Tường.

Nhiều người biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình và tấm lòng của anh Nhung, nên đã đóng góp giúp người đàn ông này xây một căn nhà trị giá gần 80 triệu đồng trên mảnh đất xin của gia đình bên vợ. Hiện ngôi nhà này đã trở thành thư viện nhỏ về hình ảnh và tư liệu về Hồ Chủ tịch.

Trong gian nhà trước, chủ nhân trưng bày hàng trăm bức ảnh vị lãnh tụ dân tộc. Trang trọng nhất là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt giữa nhà cùng bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập 12 quyển do một vị là nguyên Phó chánh án TAND TP HCM gửi tặng.

Giờ đây, mỗi ngày "thư viện Bác Hồ" giữa vùng sông nước của anh Nhung đón hàng chục người dân địa phương và học sinh đến tham quan. Ngoài ra, học sinh ở xã Thới An Hội và các xã lân cận cũng thường xuyên đến tìm hiểu, học tập về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quảng trường đi bộ

Chỉ sau một ngày khánh thành, tượng đài mới trước trụ sở UBND TP HCM đã thu hút hàng nghìn người đến dâng hoa, chụp hình lưu niệm.

Việt Tường - Ngọc Diện

Bạn có thể quan tâm