Sáng 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập chi cục thuế khu vực thuộc 63 tỉnh, thành phố.
Ông đã yêu cầu với Bộ Tài chính, ngành thuế về việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh virus corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp.
Hỗ trợ thuế người dân, doanh nghiệp
Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao kết quả ngành thuế đã đạt được trong việc cơ cấu bộ máy và cho rằng việc khó đã làm được, từ đó thúc đẩy các cấp, một số ngành tinh gọn bộ máy mà vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
“Kết quả này càng có ý nghĩa quan trọng khi cả nước đang thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa triển khai tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, mô hình mới của ngành thuế đã gọn nhẹ hơn nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ thu thuế. Trong đó, toàn ngành đã thu 1,27 triệu tỷ đồng, vượt 9,3% dự toán năm vừa qua. Lần đầu tiên, cả 63 tỉnh, thành phố đều thu ngân sách vượt kế hoạch.
Thủ tướng yêu cầu ngành thuế cần có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Gần đây cũng chứng kiến sự chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính về thuế, mức độ hài lòng của người dân cải thiện cao.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của thành công này là quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống, nhất là lãnh đạo Bộ Tài chính.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước vừa chống dịch, vừa thực hiện phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, ngành thuế cần có chương trình tạo điều kiện sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, nhất là chính sách thuế.
Còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực thuế
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực thuế vẫn còn xảy ra. Trong đó, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm phải xử lý.
Tình trạng "trên nóng dưới lạnh", nợ đọng thuế, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn diễn ra.
Việc nắm bắt nguồn thu, số thu còn chưa kịp thời, dự báo đánh giá tình hình thu còn chưa sát thực tế phát sinh và bị động cho việc điều hành ngân sách.
“Tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp đối với ngành đã giảm nhiều nhưng vẫn còn. Vì thế, ngành thuế phải tiên phong khắc phục vấn đề này”, ông nhấn mạnh.
Thủ tướng dự và chỉ đạo tại hội nghị ngành thuế. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, cần phải kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thoái hóa biến chất. Công tác cán bộ ở ngành thuế từ Tổng cục, cục, chi cục phải làm bài bản, chặt chẽ, công khai và khách quan.
“Tôi lưu ý là vẫn còn một số cán bộ ngành thuế nhũng nhiễu, thờ ơ, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân. Chúng ta cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ sự thờ ơ này đối với người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.
Về việc cơ cấu lại bộ máy ngành thuế, theo lộ trình đến hết năm 2020, toàn hệ thống thuế sẽ phải hợp nhất 548 chi cục quận, huyện, thị xã, thành phố của 63 cục thuế thành 257 chi cục thuế khu vực.
Đến cuối tháng 2, toàn hệ thống thuế đã hoàn thành hợp nhất các chi cục thuế. Từ 711 chi cục, đến nay, cả nước chỉ còn 415 chi cục thuế vượt thời gian trước 10 tháng.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, 2 năm qua, Bộ đã cắt giảm 2.985 đầu mối đơn vị hành chính, giảm trên 2.044 công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp tổ/đội trở lên. Trong đó, Tổng cục Thuế giảm được 2.485 đầu mối.
Kết quả này là nỗ lực của ngành tài chính trong việc sắp xếp bộ máy hành chính, giảm bớt các tầng nấc trung gian, giảm các bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp. Từ đó, tạo điều kiện để giảm số người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp chi cục và cấp đội.