Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 54 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trước bối cảnh dịch có nguy cơ bùng phát trong nước.
Đây là công điện đầu tiên về chống dịch được người đứng đầu Chính phủ ký kể từ khi được Quốc hội bầu.
Nguy cơ bùng phát dịch luôn thường trực
Công điện của Thủ tướng nêu dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, ở một số nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam, dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên diện rộng.
Trong nước, tuy đã được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép. Trong khi đó, đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vaccine phòng bệnh.
Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện một số nhiệm vụ.
Công điện của Thủ tướng nhận định nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại trong nước luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép. Ảnh: Hoàng Giám. |
Trước hết, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Phương châm được Thủ tướng nhấn mạnh là “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên phạm vi quản lý. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; báo cáo cấp ủy cùng cấp để thống nhất chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ trưởng Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn, chủ động tham mưu, đề xuất các vấn đề liên ngành, vượt thẩm quyền; đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19; tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả.
Kiểm soát chặt hoạt động xuất nhập cảnh
Theo người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Các cơ quan liên quan cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe...; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người. Ảnh: Việt Linh. |
Trường hợp phát hiện ca bệnh, phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải theo phương châm thiết thực, hiệu quả; bảo đảm an toàn nhưng không để sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ở quy mô quá mức cần thiết.
Công điện của Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Nếu tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.
Bộ Y tế được giao nhiệm vụ rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch ở quy mô quốc gia, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh; khẩn trương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về mua, sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Các Bộ Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới; tăng cường rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật.
Các Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, GTVT, UBND các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, cách ly, theo dõi y tế sau cách ly, đồng thời chuẩn bị các yếu tố cần thiết sẵn sàng mở rộng đối tượng nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh trên tinh thần phát triển nhưng phải bảo đảm an toàn.
Theo thông tin từ Bộ Y tế sáng 24/4, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 mới, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Yên Bái và Thái Bình. Trước đó một ngày cũng có 8 ca mắc Covid-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP.HCM và Nam Định.
Trong đó, 5 bệnh nhân được ghi nhận tại TP.HCM sau khi nhập cảnh từ Ukraine, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Dubai. Ba người còn lại nhập cảnh từ Nhật Bản.