Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp sáng 19/4. Ảnh: Nhật Bắc. |
Sáng 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 4.
Nhấn mạnh việc đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ.
Ông đồng thời cũng yêu cầu cần chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất và tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. “Nếu cần thiết phải có các biện pháp xử lý cán bộ phù hợp”, Thủ tướng yêu cầu.
Văn bản chồng chéo, gây phiền hà cho người dân
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các bộ, ngành, địa phương và cảm ơn người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chương trình cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (như phòng cháy, chữa cháy; đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng…).
Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, một số bộ chưa trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách.
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến được người đứng đầu Chính phủ đánh giá còn thấp (chiếm 57,8%), tỷ lệ hồ sơ xử lý quá hạn còn cao (gần 34%); việc số hóa hồ sơ, kết quả TTHC còn chậm, thiếu hướng dẫn về lưu trữ điện tử.
Việc chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức thủ công, bằng giấy tờ. Các hệ thống công nghệ thông tin chưa được liên kết đồng bộ, hiệu quả; mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều, còn tình trạng "cát cứ thông tin", "co cụm dữ liệu".
Nhiều điểm nghẽn trong Đề án 06 vẫn chưa được tháo gỡ. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành thể chế, chính sách còn chậm, hạ tầng số của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm an toàn thông tin.
Việc công bố, công khai TTHC, hướng dẫn của các bộ, ngành chưa kịp thời. Việc thực hiện quy định không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận thông tin về cư trú chưa nghiêm.
Trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí tham nhũng vặt.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khách quan như đây là những vấn đề mới, khó, nhiều lực cản, phạm vi rộng, nguồn lực lớn, tác động đến nhiều đối tượng, đòi hỏi phải có thời gian thích ứng cũng như thay đổi thói quen, cách làm cho phù hợp…
Cần có biện pháp xử lý cán bộ
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng đánh giá đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác kết quả, hiệu quả công tác triển khai để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ cần chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức và tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các bộ, các ngành, giữa Trung ương với địa phương, dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác.
"Nếu cần thiết thì có các biện pháp xử lý cán bộ phù hợp đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CCHC, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường được yêu cầu nâng cao trình độ, chuyên môn. “Cần chuyển từ 'làm thay, làm hộ' sang hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, người dân, doanh nghiệp nâng cao kỹ năng số, giúp hình thành thói quen giải quyết TTHC trên môi trường điện tử”, Thủ tướng yêu cầu.
Nâng mức độ hài lòng của người dân đạt trên 85%
Giao nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục có giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và phân cấp giải quyết TTHC. Nghiên cứu kỹ lưỡng, áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kết quả chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, chỉ số CCHC năm 2022 xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; có giải pháp khắc phục.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, khẩn trương sửa đổi quy định chưa phù hợp về phòng cháy, chữa cháy, các quy định về đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng… để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý các quy định cần bảo đảm sát thực tế, khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện đất nước.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện, hoàn thành trong tháng 6.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, năm 2025 đạt trên 90%, năm 2023 đạt trên 85%; tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại các trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%; cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phải đạt 50%.
"Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cần đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách TTHC", Thủ tướng chỉ đạo. Ông lưu ý giải quyết tốt thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tức là góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển.
Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cải cách hành chính và mức độ hài lòng của người dân trong báo cáo của Bộ Nội vụ sáng 19/4. Ảnh: Quốc Nam. |
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành đánh giá tình hình nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng số của các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đạo việc mở rộng dung lượng băng thông đường truyền, xóa vùng lõm sóng di động, cung cấp dịch vụ Internet chất lượng cao cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh đơn giản hóa quy định kinh doanh, cải cách TTHC, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy việc hấp thụ vốn trong điều kiện hiện nay.
Theo báo cáo tại hội nghị, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.100 quy định của 10 bộ, cơ quan.
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55.000 doanh nghiệp tham gia.
Trong quý I/2023, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 3 nghị quyết, một chỉ thị, một công điện với nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy triển khai nội dung liên quan Đề án 06.
Bộ Công an đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 3 doanh nghiệp viễn thông và EVN.
Các cơ quan đã xử lý quyết liệt tình trạng SIM rác, tiếp nhận 95,6 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao, trong đó làm sạch, đồng bộ trên 78 triệu thông tin (81,6%).
Đã có hơn 21 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trung bình xử lý 550.000 văn bản/tháng (tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm).
Năm 2022, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) đạt trên 80%.