Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ ra thực tế khó khăn của các tổ chức tín dụng khi đến hết tháng 11, dư nợ tín dụng mới tăng chưa đến 9%, trong khi cùng kỳ tăng 12% và chỉ tiêu cho cả năm 2023 là khoảng 14%. Dư địa còn lại của toàn hệ thống để mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn trên 700.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ sốt ruột khi mức tăng trưởng tín dụng thấp và không đồng đều, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn. Điều hành tín dụng còn bị động, một số cơ chế chính sách tín dụng chưa sát tình hình, cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm.
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hàng loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng. Ảnh: VGP. |
Chỉ ra nguyên nhân, Thủ tướng nêu rõ từ phía cung (các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại), hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp; lãi suất dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Ở phía cầu (doanh nghiệp, người dân), tác động của tình hình thế giới gặp khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ; mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả. Trong khi khả năng hấp thụ vốn khó khăn, ngân hàng yêu cầu tài sản đảm bảo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý điều hành tín dụng đôi khi bị động, một số cơ chế chính sách tín dụng còn hơi cứng, chưa sát tình hình, cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng vẫn tồn tại tình trạng sở hữu chéo, bất cập trong phát hành trái phiếu đơn lẻ. "Các ngân hàng phải chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn. Cùng đó, cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng", Thủ tướng nêu quan điểm.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời công bố công khai lãi suất bình quân của ngân hàng.
Cùng với đó, đẩy mạnh chống tiêu cực, không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình; kịp thời xử lý các vướng mắc pháp lý; đẩy mạnh sử dụng các công cụ thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ công cụ hành chính.
Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tham gia huy động vốn cho nền kinh tế; đẩy mạnh chính sách tài khóa liên quan vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công... để hỗ trợ chính sách tiền tệ.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm. Thủ tướng nhắc nhở điều này đã được đề nghị qua 2 hội nghị về bất động sản nhưng đến nay chưa được triển khai tích cực.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.