Theo Văn phòng Chính phủ, chiều 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, đã dự lễ khai trương trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử do Văn phòng Chính phủ tổ chức.
Trục liên thông văn bản quốc gia do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VPNT) đầu tư xây dựng với công nghệ tiên tiến; Văn phòng Chính phủ thuê lại.
Thủ tướng đánh giá đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử hướng tới nền quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh, hướng tới nền hành chính hiện đại, không giấy tờ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng quan khách dự lễ khai trương trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ thực hiện giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia kết nối với địa phương vào quý IV.
Ngoài ra cần tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc gửi/nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia nói riêng, việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước nói chung.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, trước mắt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, đất đai quốc gia, hộ tịch điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để trong giai đoạn 2020-2025 sẵn sàng kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được phát triển trên trục liên thông văn bản quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đến nay, 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Dự kiến, trục liên thông văn bản quốc gia sẽ giúp tiếp kiệm hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm, gồm chi phí in ấn, chuyển phát và thời gian.
Thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực để tập trung hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển chính phủ điện tử, xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ không giấy tờ (eCabinet)…