Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 sáng 23/12, Thủ tướng đánh giá cao kết quả ngành tư pháp đạt được trong năm 2016. Ông cho rằng Bộ Tư pháp đã quan tâm nhiều đến xây dựng thể chế. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cơ bản nhất của Chính phủ kiến tạo phát triển.
Thủ tướng cho biết lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ nghị định, văn bản hướng dẫn những luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Trong kết quả đó, vai trò của Bộ Tư pháp rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP. |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng công tác xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế, chất lượng còn thấp, thiếu ổn định, nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, việc lập chương trình xây dựng pháp luật hiệu quả chưa cao, có tình trạng thường xuyên xin lùi, xin rút.
Thủ tướng bày tỏ quan điểm không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, ngành nào đó. Bộ Tư pháp cần rút kinh nghiệm và làm gương về những việc này.
“Tôi nói nôm na là không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà để phục vụ lợi ích riêng của ngành mình hay của một nhóm người nào đó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp cần theo dõi sát tình hình đất nước, cảm nhận được hơi thở cuộc sống. Từ đó, Bộ có ngay các tham mưu, đề xuất để phản ứng chính sách kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: VGP. |
Bộ Tư pháp cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng dữ liệu trên phạm vi cả nước, bảo đảm công khai, minh bạch, kiên quyết chống nhũng nhiễu tiêu cực; quản lý, điều hành mạnh mẽ hơn về công tác thi hành án dân sự, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong đội ngũ chấp hành viên.
Trong thời đại Internet, Facebook, Zalo… Thủ tướng mong muốn ngành tư pháp phải đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
“Chúng ta phải làm gì để từng cán bộ, chuyên viên Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cả nước phát huy được hết năng lực, trí tuệ, trách nhiệm?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tư pháp Lê Thanh Long.
Thủ tướng yêu cầu phải tái cơ cấu nội bộ ngành tư pháp, thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương 4. Các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh trong tổng biên chế được giao, trong đó có ngành tư pháp, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.