Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) việc thanh tra dự án ở bán đảo Sơn Trà, tại kỳ thứ 4, Quốc hội khóa XIV hồi tháng 11/2017.
Thủ tướng cho biết lập quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2030 căn cứ vào các văn bản pháp lý chính sau: Quyết định số 41 ngày 24/1/1977 của Thủ tướng thành lập Khu rừng cấm bán đảo Sơn Trà với diện tích 4.000 ha; thực hiện Chỉ thị số 38 ngày 15/12/2005 của Thủ tướng về việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng.
UBND Đà Nẵng đã tiến hành rà soát 3 loại rừng và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi UBND thành phố phê duyệt. Từ đó có quyết định số 6758 ngày 20/9/2008 của UBND Đà Nẵng về phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn giai đoạn 2008-2020. Trong đó xác định rõ diện tích rừng đặc dụng bán đảo Sơn Trà hơn 2.590 ha.
Ngoài ra, quy hoạch bán đảo Sơn Trà còn căn cứ vào điều 53 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 2357 ngày 4/12/2013.
Quy hoạch bán đảo Sơn Trà làm "nóng" nghị trường kỳ họp thứ 4, Quốc hội, khóa XIV. Ảnh: Hải Sơn. |
Quyết định số 2163 ngày 9/11/2016 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: "Khu vực quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà nằm trên bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc với tổng diện tích gần 4.440 ha. Diện tích khu vực tập trung phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia là 1.056 ha".
Theo Thủ tướng, diện tích toàn bộ bán đảo Sơn Trà là khu vực nghiên cứu quy hoạch, nhưng diện tích khu vực tập trung phát triển trở thành khu du lịch quốc gia chỉ là 1.056 ha.
Trong quy hoạch du lịch có nêu cụ thể là tổng diện tích các khu chức năng chỉ chiếm trên 553 ha, còn lại là diện tích dự trữ phát triển. Tuy nhiên, ngay cả diện tích này thì tổng số phòng lưu trú được xác định chỉ là khoảng 1.600.
Do quy hoạch du lịch không đề cập đến vấn đề mật độ xây dựng, tầng cao trung bình, hệ số sử dụng đất (thuộc thẩm quyền của quy hoạch xây dựng) nên các chỉ tiêu này không được xác định. Nhưng, với việc xác định ngưỡng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú của du lịch Sơn Trà là 1.600 phòng thì ước tính tổng diện tích sàn xây dựng của các công trình dịch vụ du lịch chỉ là khoảng 150.000 m2 (bằng 15 ha).
"Như vậy, diện tích chiếm đất của các công trình dịch vụ du lịch tối đa là 15 ha, trong trường hợp các công trình xây dựng 2, 3 tầng thì diện tích chiếm đất còn giảm hơn nữa. Với quy mô này thì hệ số sử dụng đất được kiểm soát gián tiếp thông qua chỉ tiêu phòng lưu trú là rất nhỏ (dưới 3%). Ngoài phần diện tích xây dựng và khuôn viên vườn hoa, cảnh quan thì phần còn lại được khuyến cáo giữ nguyên trạng", Thủ tướng trả lời.
Thủ tướng chỉ đạo thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ rừng, môi trường, xây dựng ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trong quy hoạch du lịch cũng có tính toán sức chứa (đối với các hoạt động du lịch: nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, đi xe đạp...) nhằm kiểm soát lượng khách tới tham quan và du lịch Sơn Trà. Việc này để đảm bảo các hoạt động du lịch ở mức chấp nhận được với môi trường tự nhiên (khách du lịch được tự do vào Sơn Trà và lượng khách hoàn toàn có thể tăng đột biến vượt quá sức chịu tải môi trường của Sơn Trà trong tương lai gần).
Quy hoạch cũng đề xuất có biện pháp giám sát, quan trắc các tác động của môi trường để có thể kịp thời điều chỉnh các quy định về kiểm soát sức chứa, về hoạt động của khách du lịch khi cần. Hiện, các phương tiện cơ giới cũng được phép đi lại tự do trên hầu hết các tuyến đường trên Sơn Trà (ngoại trừ các khu vực quốc phòng).
Trong quy hoạch đề xuất hạn chế tối đa giao thông cơ giới, chỉ trên 3 tuyến đường (không khép kín), các tuyến còn lại chỉ cho phép đi bộ dã ngoại và đi xe đạp và chỉ với số lượng hạn chế tối đa trong ngày.
Về thanh tra dự án bán đảo Sơn Trà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn ngày 19/9/2017, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính trước ngày 31/3/2018.