15h10 chiều 8/6 (giờ địa phương), buổi tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Canada mới bắt đầu, nhưng trước đó 30 phút, hội trường lớn tại khách sạn Hilton (thành phố Quebec) đã chật kín. 40 doanh nghiệp hàng đầu Canada và nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, ngân hàng, bất động sản, nông nghiệp… đang tìm kiếm cơ hội hợp tác.
'Chúng ta có điểm chung: nước láng giềng khổng lồ'
Theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn, quy mô GDP đạt trên 220 tỷ USD, kim ngạch thương mại đạt trên 425 tỷ USD. Với dân số 93 triệu người, cơ cấu dân số vàng, tầng lớp trung lưu được coi là phát triển nhanh hàng đầu thế giới, Việt Nam không chỉ được coi là trung tâm (hub) sản xuất, mà còn là thị trường tiêu thụ rất tiềm năng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Q.A. |
“Với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam là cửa ngõ để doanh nghiệp Canada tiếp cận ASEAN. Chúng ta không chỉ giới hạn trong không gian hợp tác song phương, mà sẽ xây dựng những chuỗi giá trị mới để cùng vươn ra kết nối khu vực và thế giới”, ông Dũng nói.
“Hai nước chúng ta có nhiều điểm chung là có nước láng giềng lớn Trung Quốc, Mỹ. Tuy nhiên, các nước quá lớn đôi khi thường chậm thay đổi còn chúng ta năng động hơn”, ông Vincent Joli-Coeur, Phó Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Canada cười nói.
Theo ông, những năm qua, Việt Nam đã thay đổi rất nhanh, đặc biệt là cơ sở hạ tầng khiến ông ngạc nhiên. “Cấp lãnh đạo hiện nay cũng cởi mở, hội nhập xu hướng quốc tế, nhiều vị rất giỏi ngoại ngữ…Trước khi bắt đầu hội thảo này, tôi đã có cuộc trao đổi thú vị với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh bằng tiếng Pháp. Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho các bạn”, ông Vincent Joli-Coeur tiếp lời.
Mời gọi cổ đông chiến lược hàng không, viễn thông, điện
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đang quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, ưu tiên đầu tư công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo…Tiến trình tái cơ cấu các ngành kinh tế, cổ phần hóa các tập đoàn DNNN đang được Chính phủ đẩy mạnh trên các lĩnh vực: hàng không, điện lực, dầu khí, viễn thông, hạ tầng giao thông,…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao lưu cùng đại diện các doanh nghiệp Canada. Ảnh: Q.A. |
“Tiến trình này là cơ hội tốt để các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada, tham gia mua cổ phần trở thành đối tác, cổ đông chiến lược”, Thủ tướng gợi mở.
Theo Thủ tướng, tháng 3/2018, Canada và Việt Nam đã tham gia ký và đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định CPTPP, khối kinh tế tự do của 11 quốc gia có quy mô 13% GDP toàn cầu. Nền kinh tế hai nước có tiềm năng lớn và có tính bổ trợ cao cho nhau hơn là cạnh tranh.
“Chúng tôi vừa cấp giấy phép cho dự án năng lượng mặt trời trị giá 150 triệu USD của nhà đầu tư Canada tại Ninh Thuận. Ông Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận hôm nay cũng có mặt tại đây. Tôi tin rằng sẽ có sự bùng nổ, làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam. Chúng tôi luôn mở rộng cửa chào đón các bạn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn vào Việt Nam là minh chứng cho triển vọng đầu tư. Việt Nam coi trọng chất lượng đầu tư, không chạy theo số lượng. Việt Nam ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường…
Trả lời câu hỏi liên quan đến chất lượng đào tạo nhân lực, đặc biệt là ngoại ngữ, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Song song đào tạo kiến thức chuyên môn, tiếng Anh đang là môn học bắt buộc tại nhà trường. Việt Nam cũng là thành viên cộng đồng Pháp ngữ, có số lượng người biết tiếng Pháp lớn.
Không gì rõ ràng hơn là các cam kết cấp Chính phủ
“Tôi không đặt câu hỏi, tôi muốn kể câu chuyện thực tế. Tôi đang có 300 nhân viên ở Việt Nam và tôi chỉ muốn nói Việt Nam là cơ hội đầu tư tuyệt vời. Việt Nam đang tạo niềm tin lớn cho chúng tôi”, ông Louis Bibeau, Chủ tịch Logistik chốt lại buổi đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - Canada trong tràng pháo tay dài.
Đại diện Việt Nam - Canada ký một số bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Q.A. |
Kết thúc buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp hai nước vẫn ở lại hội trường trao đổi, bàn bạc hợp tác. Bà Vũ Thị Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Newstarland (Hà Nội) chia sẻ rằng cuộc gặp hôm nay vượt ra ngoài thông điệp ngoại giao và đem đến triển vọng hợp tác.
“Sự năng động, cầu thị của Chính phủ thời gian qua đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Không có gì rõ ràng hơn là cam kết cấp Chính phủ tại chính quốc gia thu hút đầu tư”, bà Phương nói.
Ngày 10/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Justin Trudeau, trong đó hợp tác thương mại là chủ đề quan trọng.