Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 7 năm trước đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ, tạo cơ sở để quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ tiếp tục phát triển sâu rộng, trên nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng đánh giá cao chính sách của Mỹ ủng hộ Việt Nam hùng cường, độc lập, thịnh vượng. Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ Thương mại Mỹ nói chung, và cá nhân bà bộ trưởng nói riêng, trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước thời gian qua, cũng như tháo gỡ kịp thời các vấn đề vướng mắc theo hướng không làm gián đoạn thương mại giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ ngày 11/5 (giờ địa phương) tại Washington DC. Ảnh: TTXVN. |
Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Thủ tướng đánh giá cao những phát triển vượt bậc trong quan hệ kinh tế - thương mại hai nước, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều từ 400 triệu USD năm 1995 lên gần 112 tỷ USD vào năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Điều này góp phần đưa Việt Nam vào 20 nước có trao đổi thương mại lớn nhất trên thế giới và dư địa phát triển thương mại giữa hai nước còn rất lớn.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn quan hệ thương mại hai nước tiếp tục phát triển hài hòa và bền vững, thời gian tới tập trung vào đa dạng hoá cung ứng, chuyển đối số thương mại trong đầu tư, thúc đẩy khoa học công nghệ và những lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, công bằng, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ yên tâm, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, nên cần sự hợp tác từ các nước phát triển, trong đó có Mỹ, về tài chính xanh, công nghệ, nguồn nhân lực...
Trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng cho biết Việt Nam ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, sạch, có giá trị gia tăng cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ đánh giá cao tầm nhìn và kế hoạch phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Ảnh: TTXVN. |
Mỹ đánh giá cao tầm nhìn và kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, và thay mặt chính quyền Tổng thống Joe Biden chào mừng Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến dự Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Mỹ.
Bà bộ trưởng bày tỏ ngưỡng mộ trước sự phát triển vượt bậc của đất nước Việt Nam, nhất là kể từ chuyến thăm đầu tiên năm 1995 và sau 27 năm bình thường hóa quan hệ.
Bộ trưởng Raimondo đánh giá cao tầm nhìn và kế hoạch phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam, nhất là việc chuyển đổi sang kinh tế số, kinh tế xanh, đang dạng chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ khẳng định nước này mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong quá trình Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải tại Hội nghị COP26 vừa qua. Bà cũng vui mừng trước những tiến triển trong quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Bộ trưởng chúc mừng thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch.
Bà bày tỏ vui mừng được chứng kiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư vào thị trường Mỹ, cho rằng đây là những tín hiệu thể hiện quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Mỹ thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thương mại Raimondo cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước.
Các thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, viễn thông, công nghệ số, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được cam kết đề ra tại COP26.
Bà Stephanie von Friedeburg – Phó chủ tịch điều hành cao cấp IFC (thứ hai từ trái sang) và ông Trần Hoài Nam - Phó tổng giám đốc HDBank (bìa phải) trao văn kiện ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Baochinhphu. |
Tại sự kiện này, đại diện IFC và HDBank ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác chiến lược, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm tài trợ chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hợp tác này được kỳ vọng giúp HDBank xây dựng danh mục tài trợ chuỗi cung ứng lên tới 1 tỷ USD trong 3 năm tới, đồng thời phát triển danh mục Tài trợ chuỗi (SCF) trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, kinh doanh nông sản, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ và phân phối tiêu thụ xăng dầu.