Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Thực hiện các hiệp định FTA chưa đạt kết quả mong muốn

Chia sẻ nhiều thông tin tích cực trong năm 2017 song, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận những khó khăn, thách thức về bảo vệ chủ quyền quốc gia, năng lực cạnh tranh...

Trong phát biểu tại phiên giải trình và chất vấn chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, tại kỳ họp này, các đại biểu đã gửi gần 80 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ, trong đó có 6 phiếu chất vấn Thủ tướng. 

Đa số các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Các chỉ số vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng lưu ý các vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.

Thu tuong giai trinh Quoc hoi anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Tiến Tuấn.

Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc

Theo Thủ tướng, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều chuyển biến tích cực hơn. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 3,71%.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tháng 10 đạt hơn 20 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đạt hơn 175 tỷ USD, xuất siêu gần 2,6 tỷ USD.

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống, doanh nghiệp và nhân dân cả nước, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện.

Thu tuong giai trinh Quoc hoi anh 2
Thành công của APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam được lãnh đạo các quốc gia đánh gia cao. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc (lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Sau 30 năm đổi mới và 10 năm trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Mới đây, Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò nước chủ nhà Năm APEC 2017. Tổ chức chu đáo các hoạt động theo chương trình đề ra. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 31 tại Philippines, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp và đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng.

Đây là những thành công  góp phần tăng cường tin cậy chính trị, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt.

Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp.

Việc thực hiện các hiệp định FTA chưa đạt kết quả như mong muốn, lợi ích thu được chưa tương xứng với tiềm năng. Năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” là có thể xảy ra.

Các ngành có lợi thế cạnh tranh, nhất là nông nghiệp, tiếp tục gặp khó khăn trước những rào cản thương mại, phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ...

3 năm tinh giản hơn 30.000 biên chế

Thủ tướng khẳng định trong thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy biên chế. Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với trên 700 thủ tục hành chính. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tiếp nhận trên 4.600 phản ánh, kiến nghị của người dân và gần 1.100 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Từ năm 2015 đến nay, cả nước tinh giản được trên 30.000 người. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm.

Trong 2 năm qua, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 23 bậc, từ thứ 91 lên 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng vào nhóm đầu của các nước ASEAN.

Thu tuong giai trinh Quoc hoi anh 3
Việc tinh giản bộ máy công chức diễn ra quyết liệt. Ảnh: D.L.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá việc cải cách hành chính còn chậm, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ này.

Từ nay đến 2021, mỗi năm giảm 2,5% biên chế trong hệ thống chính trị. Các cơ quan triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức.

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đồng bào dân tộc thiểu số là máu thịt của dân tộc Việt Nam. Đây là những đồng bào sinh sống chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới nơi phên giậu của Tổ quốc.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Nhưng do điều kiện tự nhiên khó khăn, xuất phát điểm thấp, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thách thức.

Trên 30% hộ dân tộc thiểu số còn là hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc và miền núi chỉ bằng 44% bình quân chung cả nước.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, nước sạch, nhà ở và trợ giúp pháp lý.

Hơn 360 người chết, mất tích vì thiên tai từ đầu năm

Về công tác phòng chống thiên tai, Thủ tướng cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước chịu ảnh hưởng 13 cơn bão, 4 cơn áp thấp. Nhiều thách thức mới đã nảy sinh đối với công tác phòng chống thiên tai.

Mặc dù Chính phủ đã vào cuộc cùng cả hệ thống chính trị nhưng thiên tai đã khiến hơn 360 người chết, mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng… trong năm nay.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện các chiến lược, cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục bất cập trong đầu tư BOT, BT

Việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là hình thức đầu tư BOT và BT bộc lộ một số bất cập, hạn chế - kết luận của Thủ tướng nêu rõ.




Văn Chương

Bạn có thể quan tâm