Ông Anucha Burapachaisri, người phát ngôn chính phủ Thái Lan cho biết nội các đã thông qua dự thảo thông báo chuyển giao quyền lực của các bộ trưởng cho thủ tướng để đảm bảo xử lý hiệu quả tình hình Covid-19.
Ông Burapachaisri nói rằng việc chuyển giao quyền lực chỉ là tạm thời. 31 điều luật được thông qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, giảm nhẹ hậu quả và hỗ trợ người dân nước này.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: Bangkok Post. |
Theo người phát ngôn chính phủ Thái Lan, 31 điều luật bao gồm Đạo luật Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Đạo luật Thuốc, Đạo luật An ninh Vaccine Quốc gia và một số đạo luật quan trọng khác.
Ông cho biết một thông báo tương tự được đưa ra trước đó vào tháng 5/2020 sẽ được thay thế bằng thông báo trên.
Tình hình dịch bệnh ở Thái Lan vẫn còn nghiêm trọng. Trong một ngày, số ca tử vong đạt kỷ lục với 15 trường hợp, trong khi số ca mắc mới vẫn ở mức 2.000 ca trong ngày thứ 5 liên tiếp.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, bác sĩ Prasit Watanapa, trưởng khoa Y của Đại học Mahidol, cho biết hôm 27/4 rằng chính phủ cần phải tiêm chủng ít nhất 25% dân số để làm chậm sự lây lan của Covid-19.
Ông lo ngại nước này có thể ghi nhận số ca tử vong ở mức hai con số trong đợt bùng phát thứ ba. Hiện tại, số ca nguy kịch cần đến máy trợ thở đang ở mức cao. Một số người đã không thể qua khỏi chỉ trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Ông cho biết cần thiết phải chỉ ra thực trạng trên để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Ông cũng lưu ý rằng để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 số lượng nhân viên y tế vẫn còn hạn chế, trong khi giường bệnh và vật tư y tế có thể được mua.
Hiện tại, trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm đang gia tăng ở một số quốc gia, thuốc Favipiravir và Remdesivir để ngừa virus cũng đang thiếu hụt.
Theo vị chuyên gia này, chỉ riêng việc điều trị cho bệnh nhân là không đủ. Cụ thể, ông nói rằng cần tính tới mọi rủi ro bằng nhiều biện pháp, trong đó bao gồm cả chương trình tiêm chủng.
Chuyên gia cho biết chương trình tiêm chủng ở Thái Lan cần đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch. Ảnh: Bangkok Post. |
Ông Prasit Watanapa cho biết: “Cách tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh là tiêm chủng. Đồng thời, công chúng phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh".
Ông cũng bày tỏ lo ngại về một làn sóng nhập cư của lao động bất hợp pháp. Vị chuyên gia cho rằng hoạt động này sẽ làm tăng nguy cơ lây lan và phát sinh đột biến của virus.
Dựa trên số liệu từ WHO, ông cho biết tính đến ngày 25/4, một tỷ liều vacccine đã được sử dụng, tương đương khoảng 18 triệu liều mỗi ngày.
Ông đồng thời nhấn mạnh tốc độ triển khai vaccine là rất quan trọng để giúp hạn chế sự xuất hiện của các chủng mới.
Theo ông Prasit, ở Israel, tỷ lệ tử vong đã giảm từ 17 ca xuống còn một ca mỗi ngày. Quốc gia này bắt đầu triển khai vaccine vào trung tuần tháng 12/2020 và hiện có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Ngược lại, Ấn Độ triển khai vaccine tương đối chậm chạp, tỷ lệ tử vong ở đây đã tăng gấp 10 lần.
Ông Yong Poovorawan, nhà nghiên cứu hàng đầu ở Trung tâm Vi rút Lâm sàng Tiên tiến trực thuộc Đại học Chulalongkorn, nói rằng với các biến thể mới của virus corona, quy mô càng lan rộng, nguy cơ đột biến càng cao.