Sáng 20/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo các bộ, ngành, TP Hà Nội, Thái Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Nông tham dự triển lãm “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Thủ tướng tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Tại buổi triển lãm, Thủ tướng khẳng định Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi thiêng liêng, đặc biệt và nhiều cảm xúc của dân tộc khi nhìn về văn hóa lịch sử 4.000 năm văn hiến của dân tộc. Việc tổ chức triển lãm về sâm Ngọc Linh ở nơi có vị trí đặc biệt này như càng tôn vinh giá trị quốc bảo của loại sâm này.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ cảm xúc lúc đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, như được ngược lại dòng lịch sử của dân tộc, khu vực quanh bảo tàng từng là địa danh đã ghi đậm dấu ấn chiến công của cha ông ta trước ngoại xâm, như Đông Bộ Đầu với dấu tích còn lại là chùa Hòe Nhai. Hay dấu tích của người Pháp từ những công trình kiến trúc mỹ thuật Á Đông.
Ông nhấn mạnh mỗi người Việt Nam cần lưu ý rằng bảo tàng không chỉ là nơi lưu trữ những giá trị lịch sử, niềm tự hào dân tộc, mà còn là yếu tố làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn, bản sắc của thành phố. Song người đứng đầu Chính phủ cũng lo lắng về việc lịch sử dân tộc chưa thể hấp dẫn học sinh, sinh viên tìm hiểu.
Thủ tướng bày tỏ lo lắng lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn học sinh, sinh viên. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
“Tại sao lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên chúng ta? Nếu không thay đổi thực tế này thì làm sao chúng ta bồi dưỡng tinh thần, ý thức dân tộc; và nếu không thay đổi được thực tế này thì chúng ta khó có thể động viên, lôi kéo những tài năng trẻ, những thanh niên ưu tú của Việt Nam trên khắp thế giới về đây cống hiến, phụng sự quốc gia”, Thủ tướng trăn trở.
Thủ tướng cho rằng mỗi người dân Việt Nam cần có ý thức về việc xây dựng kết nối giữa thế hệ hiện nay, thế hệ tương lai với cội nguồn, với lịch sử, với văn hiến và niềm tự hào của dân tộc. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy sức mạnh dân tộc trên tất cả mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, trong đó giai đoạn từ thời Tiền sử đến năm 1945 có gần 110.000 tài liệu với các di vật, cổ vật và 19 Bảo vật quốc gia. Ngoài ra còn có nhiều sưu tập quý hiếm thuộc các nền văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồng thau và sắt sớm.
Từ giữa thế kỷ XIX đến nay, bảo tàng có khoảng hơn 80.000 tài liệu, hiện vật về lịch sử cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ.