Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng sẽ phát biểu khai mạc Diễn đàn Shangri-La

Theo Giáo sư Carlyle A.Thayer, thông qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam sẽ được nhìn nhận là quốc gia đóng góp cho an ninh khu vực.

Thủ tướng sẽ phát biểu khai mạc Diễn đàn Shangri-La

Theo Giáo sư Carlyle A.Thayer, thông qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam sẽ được nhìn nhận là quốc gia đóng góp cho an ninh khu vực.

Thủ tướng sẽ là diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La 12.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được mời dự Đối thoại Shangri-La 12 với tư cách là khách chính và sẽ có bài diễn văn khai mạc. Theo thông lệ, các bài diễn văn khai mạc được coi là định hướng những nội dung chính cho Đối thoại và thể hiện quan điểm, cách xử lý nhiều vấn đề liên quan đến thách thức an ninh khu vực và quốc tế, đề ra sáng kiến kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng tham gia giải quyết, phù hợp với lợi ích chung của khu vực và mỗi nước.

TS. John Chipman, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đánh giá Việt Nam là một nước lớn và quan trọng ở Đông Nam Á. Các nước đều rất ủng hộ chính sách ngày càng đa phương hóa, đa dạng hóa mà Việt Nam đang triển khai, không chỉ trong nội bộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mà cả với các đối tác chủ chốt ở châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác.

Nếu xét dưới góc độ chính sách đối ngoại, với nền kinh tế ngày càng lớn mạnh, Việt Nam đang xây dựng những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong cộng đồng thương mại. Trong bối cảnh đó, không chỉ có các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn nhiều khu vực khác trên thế giới mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Đề cập tới nỗ lực cụ thể hóa kết quả của Đối thoại Shangri-La, ông Chipman cho rằng đây là một kênh rất quan trọng, diễn đàn duy nhất có sự tham gia của các Bộ trưởng Quốc phòng đến từ châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu. Tất cả các nước lớn có lợi ích trong môi trường an ninh châu Á - Thái Bình Dương đều tham dự tại đối thoại này.

Đối thoại thường diễn ra trong 2 ngày, một khoảng thời gian rất dài để các bên tiến hành những cuộc đối thoại, gặp gỡ đa phương, song phương, bên lề với nhiều cấp độ khác nhau.

Do đối thoại là kênh không chính thức, cho nên không cần phải dành quá nhiều thời gian cho việc đàm phán về tuyên bố chung, thông cáo báo chí... Trên thực tế, rất nhiều thỏa thuận, hiệp định có thể bắt nguồn hoặc được ký kết tại Đối thoại Shangri-La.

Giới nghiên cứu cho rằng Đối thoại Shangri-La lần này sẽ đề cập đến những vấn đề chính về an ninh khu vực nếu diễn đàn này muốn tiếp tục là cơ chế đối thoại hàng đầu trong khu vực về các vấn đề an ninh.

Đối thoại Shangri-La sẽ đề cập đến 6  chủ đề chính và quan trọng trong các phiên họp toàn thể: Cách tiếp cận của Mỹ về an ninh khu vực; bảo vệ các lợi ích quốc gia và ngăn ngừa xung đột; hiện đại hóa quân sự và minh bạch hóa chiến lược; vai trò của Trung Quốc về an ninh chung; các định chế quốc tế và khu vực và an ninh châu Á; thúc đẩy hợp tác quốc phòng tại châu Á - Thái Bình Dương.

Dư luận cho rằng vấn đề Biển Đông cũng sẽ phải được thảo luận, cho dù không được nêu chính thức trong chương trình nghị sự. Trong các cuộc thảo luận nhóm nhỏ, sẽ có đánh giá đặc biệt về 6 chủ đề chính: Tránh các sự cố trên biển; việc rút quân khỏi Afganistan và an ninh khu vực; vấn đề phòng thủ tên lửa tại châu Á - Thái Bình Dương; các học thuyết và công nghệ quân sự mới; chính sách quốc phòng và giải quyết xung đột; vấn đề tin học trong hồ sơ an ninh châu Á.

Chắc chắn, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực thông qua việc giới thiệu Việt Nam như là một quốc gia đáng tin tưởng, sẵn sàng đóng vai trò thúc đẩy Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển.

Theo nhận định của Giáo sư Carlyle A.Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, thông qua bài diễn văn của Thủ tướng Việt Nam trong buổi khai mạc, “dư luận sẽ thấy rõ vai trò chủ chốt của Thủ tướng Việt Nam trong việc định hướng các cuộc thảo luận tiếp sau đó. Uy tín của Việt Nam sẽ tăng bởi vì Việt Nam sẽ được nhìn nhận là quốc gia đóng góp cho an ninh khu vực".

Ông Thayer cũng nhận định rằng tất cả những vấn đề an ninh gây quan ngại sẽ được đề cập một cách đầy đủ tại diễn đàn này và qua đó, Việt Nam có thể tìm hiểu được nhiều về các xu hướng an ninh chính và các triển vọng của những quốc gia khác trong những hồ sơ chủ chốt.

Theo Chinhphu.vn

Theo Chinhphu.vn

Bạn có thể quan tâm