Thông tin trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại hội nghị lần thứ hai Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 diễn ra tại TP.HCM sáng nay.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị nếu Thủ tướng đồng ý sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy và trình Ban Bí thư xin thêm một phó chủ tịch UBND.
Ủng hộ đề nghị này, Thủ tướng cho biết, sẽ cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM trao đổi thêm với Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.
Thủ tướng Phạm Minh tại hội nghị lần thứ hai Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023 tại TP.HCM. |
Quan điểm của Thủ tướng là việc thực hiện các cơ chế, chính sách trong nghị quyết 98 là nhiệm vụ đặc biệt của TP.HCM. Do vậy cần phải có một phó chủ tịch liên quan việc thực hiện các nội dung này, giúp Chủ tịch UBND TP.HCM theo dõi các công việc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Đây là việc lớn, có cả nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Như vậy việc này là việc lớn, bao quát. Vì vậy cần có thêm người để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ tăng thêm. Khi nào xong nhiệm vụ thì thôi".
Làm rõ hơn về đề xuất này, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ, TP.HCM muốn có thêm một nhân sự phó chủ tịch chuyên trách, tham gia vào Ban Chỉ đạo, kết nối công việc và các thành viên của Ban Chỉ đạo với Thành phố để tham mưu các công việc thực hiện nghị quyết 98.
Theo Bí thư TP.HCM, hiện nay các phó chủ tịch UBND TP.HCM đã được phân công đảm nhận các lĩnh vực khác nhau. Việc thực hiện Nghị quyết 98 là công việc mới, đặc thù, trong khi các phó chủ tịch khác đã thực hiện quá công việc điều hành hằng ngày. Nếu "ôm" thêm mỗi người một món trong Nghị quyết 98 sẽ không tập trung.
Mặt khác không có người xâu chuỗi để tham mưu xuyên suốt các chính sách cho thành phố. Hiện tại các bộ cũng như Văn phòng Chính phủ không có người chuyên trách việc này.
Báo cáo tới Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói, trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết 98, khi trao đổi giữa Thành phố với các bộ ngành vẫn còn tâm lý "việc này mới chưa có quy định". Do đó, ông kiến nghị Thủ tướng có chỉ đạo thống nhất cách làm, vì đây là cái mới nên phải có cách tiếp cận mới.
Sắp tới, TP.HCM và Hà Nội sẽ phối hợp xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị đến năm 2035. TP.HCM dự kiến mất 3-5 năm chuẩn bị, 5-7 năm xây dựng dự án, đến năm 2035 cơ bản hoàn thành và có thể chậm 2-3 năm.
Ông Mãi cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án Trung tâm tài chính quốc tế, nghị định phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM, đề án thị trường tín chỉ carbon, điện mặt trời áp mái, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vành đai 4…