“Môi trường là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu” - quan điểm này được nhiều đại biểu nêu ra khi thảo luận tại tổ sáng 11/6 về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Tại tổ đại biểu Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định ô nhiễm môi trường đe doạ cuộc sống, là vấn đề lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Do đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là rất quan trọng để góp phần thay đổi về nhận thức, tư duy, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.
"Xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm"
Theo người đứng đầu Chính phủ, phải cương quyết bảo vệ môi trường, bắt đầu từ đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy. “Coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm”, Thủ tướng nói.
Ông đánh giá hiện nhận thức về vấn đề này chưa đúng mức, chưa cương quyết nên ở nhiều nơi, môi trường còn là vấn đề nhức nhối. Bên cạnh đó, cần phải giáo dục lại sự vô trách nhiệm của một bộ phận dân cư.
“Đừng nói chuyện trên trời mà không bàn vấn đề sát sườn là bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần sửa luật để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa, nâng cao trách nhiệm của mình trước dân trong vấn đề bảo vệ môi trường. Ảnh: Hải Quân. |
Dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 cụ thể hoá các quy định của luật, Thủ tướng đặt vấn đề nên chăng cần có một nghị định tương tự, với chế tài nghiêm khắc trong xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.
“Tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn. Ông phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn”, Thủ tướng nói.
Dẫn chứng ngay bất cập, Thủ tướng nhắc đến tình trạng “dọc bờ sông, bãi biển còn bẩn lắm, nhưng cứ nói mãi mà không ai chịu thực thi bảo vệ”.
Về trách nhiệm của bộ máy, Thủ tướng đề nghị luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý Nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
“Bộ máy đông nhưng yếu, không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về vấn đề này. Đây là khuyết điểm”, Thủ tướng nêu quan điểm, đồng thời cho rằng cần sửa luật để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa, nâng cao trách nhiệm của mình trước dân.
Thủ tướng mong muốn có một bộ máy mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra. Ông cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp thu để có hành động mạnh mẽ hơn nữa, tránh “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Xảy ra sự cố mới giật mình
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý cần có chế tài để quản lý môi trường tốt hơn, ứng phó với biến đổi trong tình hình mới, bởi chúng ta tăng trưởng kinh tế dẫn tới nhiều tác động như chất thải, môi trường ô nhiễm.
Song, ông cho rằng phải đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Để luật thực thi hiệu quả, ông Hiển đề nghị quy định trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành.
Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT Trần Thị Quốc Khánh đề nghị có quy định về an ninh nguồn nước. Ảnh: quochoi.vn. |
Cho ý kiến cụ thể về bảo vệ môi trường nước, Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT Trần Thị Quốc Khánh cho rằng trong bối cảnh nguồn nước khan hiếm, công trình xả thải nhiều, nếu chỉ giao cho mỗi cấp tỉnh thì không làm được, mà phải có sự phối hợp của Trung ương, để giải quyết triệt để.
Bà đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ TN&MT và UBND các tỉnh trong việc bảo vệ môi trường nước dưới lòng đất. “Coi trọng nước mặt mà không coi trọng nước ngầm sẽ dẫn đến ô nhiễm”, bà Khánh nói.
Nhắc lại vụ ô nhiễm nước sông Đà vừa qua, nữ đại biểu đề nghị phải có thêm quy định về an ninh nguồn nước.
“Sau sự cố nước sông Đà, từ Trung ương đến địa phương mới giật mình, vấn đề an ninh nguồn nước sơ hở quá”, bà nói.
Về bảo vệ không khí, theo bà Khánh, quy định như dự thảo còn chung chung, không rõ trách nhiệm cụ thể. Nhất là Hà Nội thời gian qua đã có nhiều cảnh báo ô nhiễm không khí, đề nghị người dân đóng cửa, không ra khỏi nhà...
“Chỉ 5 phút không thở được là đã sang thế giới bên kia rồi. Trong khi đó, quy định còn chung chung, xảy ra hệ lụy không biết kêu ai”, nữ đại biểu phản ánh.
Bà đề nghị phải bảo vệ môi trường không khí tốt hơn bằng cách bổ sung thêm trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm xử lý nơi nào xảy ra sự cố.