Theo VTV, chỉ đạo trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại cuộc họp khẩn sáng 30/4 về phòng chống dịch Covid-19 trước một số diễn biến mới. Theo người đứng đầu Chính phủ, dù dịch Covid-19 trên thế giới đang rất phức tạp và ảnh hưởng đến nước ta, tình hình vẫn đang được kiểm soát tốt.
Nguyên nhân lớn nhất là mất cảnh giác
Nhắc đến một số ca nhiễm mới, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân lớn nhất chính là tâm lý lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân, công tác quản lý khu cách ly hay việc cách ly nơi cư trú còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm túc.
Thủ tướng nhấn mạnh các quy định về phòng chống dịch là khá đầy đủ, song khâu tổ chức thực hiện cần siết chặt và hiệu quả hơn. Ông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đều phải vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, khẩn trương, nhanh chóng, thần tốc trong việc khoanh vùng, khắc phục hậu quả bằng mọi biện pháp, cùng với đó là siết chặt quản lý theo hướng “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các quy định về phòng chống dịch là khá đầy đủ, song khâu tổ chức thực hiện cần siết chặt và hiệu quả hơn. Ảnh: VGP. |
Về trách nhiệm phòng chống dịch ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, Thủ tướng cho rằng cần biểu dương những nơi thực hiện nghiêm các quy định và không để xảy ra sự cố; xem xét xử nghiêm những nơi lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
“Chúng ta phải đánh giá lại, biểu dương khen thưởng và nhân rộng những nơi làm tốt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc phòng chống dịch và dứt khoát kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể, những nơi để xảy ra như vừa qua, vì chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện không nghiêm”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu cao nhất là phải bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng, người dân. Bên cạnh đó, vẫn phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội.
“Nếu không phát triển kinh tế, xã hội thì lấy nguồn lực đâu để phòng chống dịch. Nếu không phát triển kinh tế, xã hội tốt thì không ổn định được chính trị, bảo vệ thành công cuộc bầu của ĐBQH và đại biểu HĐND ngày 23/5 tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặt vấn đề “nếu để vỡ trận, kiểm soát không được thì sẽ thế nào”, Thủ tướng nhấn mạnh các đơn vị trên tuyến đầu phải thực sự là lực lượng nòng cốt trong phòng chống dịch, phải linh hoạt, sáng tạo và thực hiện nghiêm các quy định.
“Các đơn vị làm tốt rồi, anh em rất vất vả, thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn nhưng với lợi ích quốc gia, cộng đồng và lợi ích của mỗi các cá nhân, đề nghị các lực lượng trên tuyến đầu làm tốt hơn nữa”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Tự quyết định biện pháp chống dịch, không ỷ lại
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các cơ quan, địa phương, đơn vị cần bình tĩnh, sáng suốt, linh hoạt trong xử lý sự vụ, không bi quan cũng không chủ quan trong phòng chống dịch; tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, nghị quyết của Chính phủ, các kết luận chỉ đạo của Thủ tướng, phó thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo Thủ tướng về tình hình dịch Covid-19. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đều phải vào cuộc. Đặc biệt, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để thực hiện các nhiệm vụ này; kêu gọi người dân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, thực hiện nghiêm các quy định.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng hoàn thiện Bộ tiêu chí để xác định thế nào là lây nhiễm, thế nào là có dịch và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh phân cấp để các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ và tự quyết định các biện pháp mà không trông chờ hay ỷ lại.
Bộ Y tế cũng được giao chủ động hơn nữa trong việc tìm nguồn vaccine và tổ chức tiêm vaccine cho toàn dân theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Trước đó, báo cáo với Thủ tướng tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sau 34 ngày không ghi nhận ca mới trong cộng đồng, ngày 29/4, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đã ghi nhận chùm ca bệnh Covid-19 liên quan đến trường hợp nhập cảnh từ Nhật Bản sau khi hết cách ly tập trung tại Đà Nẵng về tỉnh Hà Nam.
Đây là bệnh nhân 2899, quê tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Theo Bộ trưởng Y tế, kết quả kiểm tra, phân tích và đánh giá, trường hợp bệnh nhân này và các hành khách đi chung chuyến bay từ Nhật Bản về Đà Nẵng, từ Đà Nẵng sau khi hết cách ly về Hà Nam, và tại nơi cư trú của bệnh nhân cho thấy có mối liên hệ phức tạp.
Tại nơi cư trú, qua kết quả truy vết, bệnh nhân có tiếp xúc, giao lưu ăn uống, gặp gỡ bạn bè, người quen trong các ngày 22-23/4. Những người tiếp xúc với bệnh nhân sau đó đã trở về các tỉnh, thành phố khác trên các phương tiện như máy bay (đến TP.HCM), ôtô (đến Hà Nội, Hưng Yên).
Bộ Y tế đã yêu cầu tỉnh Hà Nam khẩn trương truy vết, thực hiện cách ly tập trung tất cả trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1); thực hiện rà soát các trường hợp tiếp xúc với F1 (F2), yêu cầu cách ly tại nhà. Cùng với đó, khẩn trương lấy mẫu toàn bộ 1.068 nhân khẩu tại 322 hộ gia đình trên địa bàn thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân.
Với các tỉnh, thành phố có hành khách đi trên các phương tiện, chuyến bay có liên quan đến bệnh nhân ở Hà Nam, Bộ Y tế lưu ý cần thần tốc truy vết, tiến hành cách ly tập trung ngay với tất cả trường hợp tiếp xúc gần (F1) và xét nghiệm xác định nhiễm SARS-CoV-2. Các trường hợp F2 cần theo dõi và quản lý cách ly tại nhà, tuyệt đối không để bỏ sót.