Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm ba nước châu Âu

Sau khi thăm ba nước châu Âu gồm Luxembourg, Hà Lan, Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ dự Hội nghị cấp cao ASEAN - EU tại Brussels.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP.

Trong ngày 9-15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng sẽ dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ vào ngày 14/12.

Chuyến đi diễn ra theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.

Kể từ khi nhậm chức, đây là lần thứ hai Thủ tướng Phạm Minh Chính công du châu Âu, sau chuyến đi đầu tiên dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh vào tháng 11/2021.

Những đối tác lớn của Việt Nam ở châu Âu

Luxembourg là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong EU, thu nhập GDP đầu người của đất nước này đứng đầu thế giới.

Việt Nam và Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Tính đến tháng 1, Luxembourg có 51 dự án đầu tư với tổng số vốn 2,1 tỷ USD, đứng vị trí thứ 5 các nước châu Âu và đứng thứ 18/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Hà Lan cũng là một nước có nền kinh tế phát triển cao, độ mở lớn. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (năm 1973), hợp tác thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hàng năm.

Từ 2002, xuất khẩu sang Hà Lan bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh, trung bình khoảng 15%/năm. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu.

Những năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Đến tháng 1, với dự án FDI còn hiệu lực, Hà Lan xếp thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 380 dự án trị giá hơn 13,5 tỷ USD.

Với Bỉ, đây là một trong những nước phát triển ở Tây Âu và là một trong những nước đứng đầu thế giới về sản xuất gang thép (10 triệu tấn/năm), đứng thứ 24 trên thế giới và thứ 8 trong EU về quy mô GDP.

Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU. 10 tháng đầu năm 2022, thương mại hai chiều đạt hơn 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 622,8 triệu USD.

Tính đến tháng 10, Bỉ có 82 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU có đầu tư tại Việt Nam.

thu tuong tham chau au anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam - vào ngày 6/12. Ảnh: VGP.

EU là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 2 của ASEAN

Năm 2022 cũng là thời điểm đánh dấu 45 năm ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ đối thoại, cũng là năm thứ hai ASEAN và EU nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.

Đây là lần đầu tiên ASEAN và EU phối hợp tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ hai bên tại EU với sự tham gia của lãnh đạo Cấp cao các nước thành viên ASEAN và EU.

Sau 45 năm, quan hệ ASEAN - EU đã phát triển năng động, mở rộng bao trùm các lĩnh vực như chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển. Hai bên đang phối hợp triển khai Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - EU giai đoạn 2023-2027.

Về kinh tế, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của ASEAN. Theo số liệu của ASEAN, năm 2021, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của ASEAN, với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 268,9 tỷ USD. EU cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 (sau Mỹ) của ASEAN với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỷ USD.

Theo số liệu của EU, năm 2021, ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của EU.

Về hợp tác phát triển, EU là một trong những đối tác hợp tác phát triển hàng đầu của ASEAN, tập trung hỗ trợ ASEAN hội nhập khu vực, tăng cường kết nối ASEAN thông qua các chương trình hợp tác phát triển khác nhau trên cả ba trụ cột hợp tác.

Đặc biệt, trong giai đoạn ứng phó với đại dịch Covid-19, EU là một trong những đối tác đầu tiên, tích cực thúc đẩy hợp tác với ASEAN ứng phó đại dịch ngay từ khi Covid-19 bùng phát.

EU cam kết triển khai gói “Team Europe” trị giá 800 triệu euro để hỗ trợ ASEAN ứng phó Covid-19 và giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch; bổ sung thêm “Chương trình hỗ trợ Đông Nam Á sẵn sàng ứng phó đại dịch” trị giá 20 triệu euro nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực y tế và điều phối ứng phó dịch bệnh tại khu vực.

Hai bên cũng đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại giữa các chuyên gia y tế ASEAN - EU về ứng phó với đại dịch.

Cao ủy EU: Việt Nam có tiềm năng to lớn về kinh tế xanh

Đại diện Liên minh châu Âu (EU) tin rằng các cam kết quốc tế về khí hậu vào năm 2030 sẽ đạt được, bất chấp khủng hoảng năng lượng đặt ra thách thức với tiến trình chuyển đổi xanh.

Chủ tịch EuroCham: EU cam kết hỗ trợ tầm nhìn xanh của Việt Nam

Chủ tịch EuroCham Alain Cany ngày 28/11 nói rằng Liên minh châu Âu và Ủy ban châu Âu sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi kinh tế xanh và thực hiện cam kết khí hậu.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm