Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Phải liệu cơm gắp mắm để giữ cân đối ngân sách

Tại buổi thảo luận ở tổ ngày 24/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải sử dụng đúng mức, hiệu quả ngân sách, tránh lãng phí, không được “mặc áo quá đầu”.

Sáng 24/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đoàn Hải Phòng) tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại tổ đại biểu Quốc hội số 4 (gồm 3 đoàn: Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định). Tại đây ông nhấn mạnh trong thời gian tới Chính phủ sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc tìm động lực cho tăng trưởng, quan tâm kinh tế tư nhân và nâng cao chuỗi giá trị cho hàng hóa Việt Nam.

Tìm ra động lực mới tốt hơn

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kết quả về kinh tế - xã hội đạt được trong thời gian qua trong bối cảnh tương đối toàn diện và tốt đẹp. Đặc biệt đời sống xã hội của người dân được nâng lên một bước, từ miền núi, miền biển, đô thị. Đồng tiền Việt Nam giữ được giá, trong khi đồng tiền của Trung Quốc mất giá, đồng USD mạnh lên.

“Uy tín, khả năng chống chịu của chúng ta trước thế giới đã khá hơn trước từ lương thực đến năng lượng, ngân sách, ngoại tệ. Một Quốc gia 100 triệu dân giữ được và phát triển được trong bối cảnh hiện nay không phải đơn giản. Gặp ông Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói rằng tôi làm thủ tướng của 5-6 triệu dân đã phức tạp nên rất thông cảm với các ngài”, ông nói.

thu tuong nguyen xuan phuc noi ve ngan sach anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nói về những bất cập mà báo cáo của Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội. Theo đó, thời gian tới sẽ chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, sắp xếp lại, xử lý các vấn đề bất cập trong chỉ đạo điều hành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

“Phương hướng trong thời gian tới chúng ta quan tâm nhiều hơn những vấn đề xã hội trong kinh tế thị trường. Trong một thế giới phẳng, cách mạng công nghiệp 4.0 thì xã hội có nhiều vấn đề phải nắm bắt, phải xử lý để mang lại an toàn cho người dân, mang lại hạnh phúc cho từng gia đình, phát triển bao trùm không để thành phần nào bị rớt lại phía sau”, ông nói.

Thứ hai, Thủ tướng cho rằng phải cố gắng tìm ra động lực mới tốt hơn. Ông cho rằng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, giá trị xuất nhập khẩu gấp đôi GDP thì cần chú trọng phát triển khoa học công nghệ. Phát triển doanh nghiệp công nghệ cao tìm những khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao để phát triển đất nước.

“Chúng ta đang tìm lối đi trong Cuộc cách mạng 4.0 này. Nếu ta không tìm ra lối đi, không tìm ra giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị thì chúng cứ luẩn quẩn”, ông nói.

Thủ tướng nhấn mạnh biện pháp tháo gỡ quan trọng là vấn đề thể chế, xây dựng chính phủ kiến tạo. Do đó cần sắp xếp, tổ chức lại để tạo sự phát triển.

“Liệu cơm gắp mắm”

Thủ tướng cũng lưu ý kinh tế Nhà nước quan trọng nhưng kinh tế tư nhân cũng quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân giúp giải quyết việc làm, tăng ngân sách, tăng trưởng GDP nên ta phải quan tâm.

“Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp có đạt được không? Đó là câu hỏi lớn của Chính phủ. Các địa phương phải cố gắng phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp từ người dân; tiếp tục phát triển FDI có chọn lọc, liên kết hai khối kinh tế lại với nhau để cùng phát triển”, ông nói.

Thủ tướng cũng đồng tình và hoan nghênh các ý kiến của đại biểu về việc sử dụng ngân sách hiệu quả hơn để chống lãng phí.

“Đừng mặc áo quá đầu mà phải liệu cơm gắp mắm để giữ cân đối ngân sách. Kể cả trong vấn đề nợ công, nếu đi vay tràn lan để đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Làm gì cũng phải đúng mức, hiệu quả. Tất nhiên, nếu dừng lại không làm gì cũng chết, nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn”, ông nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh phải tiến hành mạnh mẽ công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, ở các cấp các ngành.

Cuối cùng Thủ tướng đề nghị mỗi người dân, mỗi tổ chức, đặc biệt người có trách nhiệm phải có khát vọng trong phát triển, có nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong phát triển mới có thể đưa đất nước tiến lên. Ông cho rằng gần 100 triệu dân phải chung một ý chí quyết tâm thì sẽ có chuyển biến rất mạnh mẽ.

Việt Nam và những dấu ấn đối ngoại nổi bật 2017-2018

Chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là điểm sáng tiếp nối chặng đường đối ngoại của Việt Nam trong hai năm nỗ lực nâng tầm ngoại giao đa phương cũng như song phương.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm