Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Niềm tin của dân là nguồn lực xây dựng đất nước

"Quy mô nền kinh tế của chúng ta từ thứ 48 trên thế giới, giờ đã vươn lên 40. Điều này là thay đổi rất mạnh mẽ", Thủ tướng chia sẻ tại buổi thảo luận tổ của Quốc hội sáng 22/5.

Thủ tướng: Tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực Thủ tướng cho rằng báo cáo của Ủy ban Kinh tế chưa có cái nhìn tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội đang chuyển biến tích cực của đất nước.

Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018. Báo cáo này được Ủy ban Kinh tế trình bày chiều 21/5 trước Quốc hội.

Nhiều tín hiệu tích cực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) đã phát biểu thảo luận thêm về báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Ông cho rằng báo cáo này chưa có cái nhìn tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội đang chuyển biến tích cực của đất nước, khiến một số đại biểu còn “tâm tư”.

Theo Thủ tướng, với những kết quả đạt được của tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua, niềm tin của người dân, của cả hệ thống chính trị được nâng lên rất nhiều. Đó là nguồn lực rất lớn để xây dựng đất nước.

“Hệ thống của chúng ta trên dưới một lòng, đoàn kết nhất trí, từ Trung ương đến địa phương. Sức mạnh của toàn dân tộc được thể hiện thông qua những sự kiện lớn của đất nước. Từ sự việc môi trường do Formosa gây ra, sự việc lớn và nghiêm trọng như vậy nhưng chúng ta đồng lòng rất cao. Hay thành tích của đội tuyển U23 Việt Nam, chưa bao giờ thấy khí thế của người dân lớn như vậy”, ông nói.

thu tuong thao luan tai quoc hoi anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi thảo luận sáng 22/5. Ảnh: Hoàng Hà.

Thủ tướng nhắc lại kết luận của Hội nghị Trung ương 7 vừa qua và Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 10/2017) đều cho rằng kinh tế của đất nước phát triển, tình hình đối ngoại, quốc phòng an ninh được giữ gìn. Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng nâng lên. Công tác xây dựng đảng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại niềm tin cho nhân dân.

Nền kinh tế đã chuyển từ thế bị động sang chủ động

Thủ tướng cho biết Ủy ban Kinh tế đã phân tích nhiều về nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, cân đối ngân sách, quy mô nền kinh tế… Tuy nhiên ông nhấn mạnh nền kinh tế đã chuyển từ thế bị động sang chủ động và tốt hơn rất nhiều.

Tại hội nghị G20, vị thế của Việt Nam đã được quan tâm hơn rất nhiều

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Lấy ví dụ về vấn đề nợ công, Thủ tướng cho biết theo báo cáo đánh giá cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nợ công của Việt Nam là 64,8% GDP, chỉ thấp hơn một chút so với ngưỡng Quốc hội cho phép là 65% GDP. Tuy nhiên, hiện tại quy mô của nền kinh tế tăng cao, nợ công giảm xuống còn 61%, đây là điều đáng mừng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.

Nói về quy mô GDP, Thủ tướng cho biết đã đạt trên 5 triệu tỷ đồng. Nếu đạt trên 7 triệu tỷ đồng với tốc độ 6,7%/năm thì tình hình tốt hơn.

"Quy mô nền kinh tế của chúng ta từ đứng thứ 48 trên thế giới, giờ đã vươn lên 40. Điều này là thay đổi rất mạnh mẽ. Tại hội nghị G20, vị thế của Việt Nam đã được quan tâm hơn rất nhiều”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Về dự trữ ngoại hối, cuối nhiệm kỳ trước của Chính phủ mới có 28 tỷ USD, nhưng chỉ sau 2 năm rưỡi, con số này đã tăng lên gần 64 tỷ USD.

“Chúng ta mua được nhiều USD dự trữ với tỷ giá ổn định, lạm phát được giữ vững. Đây là một chỉ số rất quan trọng của nền kinh tế”, ông nói.

Nói về dự trữ quốc gia, Thủ tướng cho biết nhiều lĩnh vực như năng lượng, lương thực đều có những bước tiến khả quan. Mùa hè chúng không còn thiếu điện nữa, dự trữ dầu lửa cũng không thiếu, nhiều nhà máy lọc dầu được xây dựng.

"Về lương thực, cơ số dự trữ của chúng ta cao hơn trước đây. Chúng ta cũng có thể xuất kho được hàng nghìn tấn lương thực hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn", Thủ tướng khẳng định.

Một tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế được Thủ tướng nhắc lại là việc thành lập doanh nghiệp mới tăng mạnh trong năm 2017. Theo đó cả nước đã có 127.000 doanh nghiệp thành lập mới vào năm ngoái. Riêng quý I, con số này đã là 49.000. Từ đó, việc giải quyết việc làm cho người dân được cải thiện.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của việc thành lập doanh nghiệp mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ giúp tạo việc làm cho người dân, cho thanh niên.

“Giải quyết việc làm cho dân là điều rất quan trọng. Có việc làm mới tăng tích lũy, tăng ngân sách, tăng GDP, tất cả những điều đó là một hệ thống. Bước đầu chúng ta đã có những chuyển biến ban đầu”, Thủ tướng nhìn nhận.

Đi vào nông thôn mà như thành phố, chuyển biến đó rất đáng mừng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết bản thân rất tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế liên quan đến công tác xã hội, nhất là vùng nông thôn. Ông cho biết 70% dân số, 42% lao động tại nông thôn, nhưng đóng góp GDP chỉ là 15%, năng suất lao động còn thấp. Do đó cần quan tâm nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

“Nhiều nơi có những mô hình tích tụ ruộng đất tốt. Cần đẩy mạnh việc phát triển mô hình nông thôn mới. Tôi lấy ví dụ như Thái Bình, giờ mục tiêu không phải là 5 tấn hay 50 triệu đồng/ha mà phải là 500 triệu đồng/ha. Chúng ta đi vào nông thôn mà như thành phố, chuyển biến đó rất đáng mừng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Phát triển kinh tế giúp tăng vị thế quốc gia

Nhấn mạnh đến chỉ số cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng khẳng định môi trường cạnh tranh đã được cải thiện, tăng nhiều bậc. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá chỉ số này của Việt Nam tăng 5 bậc. Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã quyết định nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ trung bình lên tích cực.

Đây là các chỉ số rất quan trọng để vay mượn, đầu tư, phát triển ổn định. Qua đó tăng vị thế của Quốc gia.

“Đất nước còn xa G20, lại càng xa G7, nhưng chúng ta đã được mời tham dự hội nghị G7 mở rộng”, Thủ tướng không giấu vẻ lạc quan.

thu tuong thao luan tai quoc hoi anh 2
Thủ tướng cho rằng tăng trưởng kinh tế giúp nâng cao vị thế của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Về các vấn đề xã hội, Thủ tướng cho rằng tình hình hiện tại bình yên, an toàn hơn, tinh thần đoàn kết từ Trung ương, địa phương đã tốt lên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề lớn như mạng xã hội, cách mạng công nghiệp 4.0, văn hóa Việt Nam, an ninh mạng… cần được quan tâm nhiều hơn.

“Nhiều bộ phận trực tiếp tiếp xúc với dân, doanh nghiệp như thầy giáo, thầy thuốc, xã phường, cấp vụ, cấp cục, cấp tỉnh, cấp huyện cần có chuyển biến nhiều hơn. Cần khắc phục nhiều vấn đề đối với cán bộ, công chức… Chúng ta đang tiến hành nhiều cải cách như tiền lương, chế bộ bảo hiểm xã hội, cải cách giáo dục, cải cách tư pháp. Tinh thần là đổi mới và phải có niềm tin để xây dựng đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phó thủ tướng: 'Nói kinh tế phụ thuộc dầu thô, than đá có đúng không?'

"Kết quả như vậy mà nói phụ thuộc dầu thô, than đá thì có đúng không? Mấy năm nay (2016-2017) công nghiệp than đá và dầu tăng trưởng âm", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.


Nguyễn Hưng - Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm