"Tôi muốn thể hiện quyết tâm đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực bằng việc hiện thực hóa tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình dương tự do và mở", Kyodo dẫn lời ông Suga nói với các phóng viên tại sân bay Haneda chiều 18/10, trước khi lên máy bay đến Hà Nội. "Các nước ASEAN là đối tác cực kỳ quan trọng của chúng tôi trong nỗ lực đạt đến tầm nhìn (đó)".
Ông Suga sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào sáng 19/10, sau đó có các hoạt động hội kiến và chào xã giao với các lãnh đạo của Việt Nam, thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ.
Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Nhật Bản kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9. Ngày 20/10, ông sẽ rời Việt Nam để thăm chính thức Indonesia.
Ông Suga sẽ có buổi gặp gỡ, nói chuyện với sinh viên Đại học Việt - Nhật ở Hà Nội vào chiều 19/10. Dự kiến, ông sẽ phát biểu về chính sách Đông Nam Á - cũng là lần đầu tiên một thủ tướng Nhật có bài phát biểu chính sách như vậy tại Việt Nam. Điều này được cho là thể hiện Nhật Bản coi trọng Việt Nam trong việc triển khai chính sách đối ngoại với Đông Nam Á.
Phu nhân của thủ tướng Nhật, bà Mariko Suga, dự kiến thăm Văn Miếu và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ngày 19/10.
Tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và phu nhân, bà Mariko tại sân bay Haneda, chuẩn bị khởi hành đến Hà Nội. Ảnh: Kyodo. |
Ông Suga trở thành lãnh đạo của Nhật sau khi người tiền nhiệm Shinzo Abe bất ngờ từ chức vì vấn đề sức khỏe hồi cuối tháng 8. Trước đó, ông Suga là chánh văn phòng nội các và được xem là cánh tay phải của Thủ tướng Abe.
Ông Abe cũng chọn đi thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012.
Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Suga đã khẳng định sẽ tiếp nối chính sách đối ngoại của chính quyền Abe. Ông sẽ tiếp tục ưu tiên quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP), xây dựng quan hệ ổn định với các nước láng giềng quan trọng như Trung Quốc và Nga, và giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên...
Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, và đến tháng 3/2014, hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.
Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón tổng bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), theo tài liệu của Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Về kinh tế, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch lớn thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 28,6 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký của Nhật Bản tại Việt Nam, lũy kế đến tháng 9/2020, đạt 59,87 tỷ USD.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có khoảng 430.000 người, theo số liệu của Bộ Công an tháng 8/2020.
Tính đến tháng 9/2020, Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 230.000 người, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 80.000 người, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong năm 2019 không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 951.962 người, đứng thứ ba, và tăng 15,2% so với năm trước đó. Hồi tháng 6, chính phủ hai nước ra thông cáo về việc Việt Nam và Nhật Bản nhất trí sẽ từng bước, từng phần nới lỏng hạn chế đi lại giữa hai nước.