Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thách thức tăng trưởng kinh tế

Nhiều hãng tin nước ngoài như Reuters, AFP, AP cho rằng cải tổ doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là thách thức với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Hãng thông tấn Tân Hoa xã (Trung Quốc) tường thuật lại kết quả phiên họp sáng 7/4 của Quốc hội Việt Nam cho biết, ông Nguyễn Xuân Phúc được các đại biểu Quốc hội nhất trí bầu vào vị trí Thủ tướng, với tỷ lệ đồng thuận cao là 446/490 phiếu bầu.

Hãng Reuters (Anh) cũng đưa tin và nhận định rằng ông Nguyễn Xuân Phúc là chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các vấn đề quản trị và kinh tế do từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng ở cấp địa phương và trung ương.

Reuters cho rằng một trong những thách thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới là duy trì động lực của một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. 

Hãng tin Anh ghi nhận một số nội dung nổi bật từ bài phát biểu của tân Thủ tướng là phấn đấu đạt được những mục tiêu kinh tế đề ra, xử lý nạn tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư, và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc anh 1

Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Hoàng Hà

Trong khi đó, Channel News Asia dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore) nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối mặt với hàng loạt nhiệm vụ như cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, cải thiện vị thế tài chính của Việt Nam, thay đổi tình hình quá phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài... 

Kênh này nhắc lại việc Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016 là 6,7%.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đang đảm nhiệm "một công việc vô cùng khó khăn, vì tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay rất nhiều thách thức".

"Tôi nghĩ tất cả mọi người đều kỳ vọng ở ông một quyết tâm và các hành động cải cách mạnh mẽ", vị chuyên gia kinh tế nói với Channel News Asia

Hãng Bloomberg (Mỹ) dẫn lời một số chuyên gia nói, trên cương vị mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần nhanh chóng tỏ rõ quyết tâm cải cách và thu hút đầu tư. 

"Cần tiếp tục chứng tỏ rằng Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài. Chính phủ phải thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra việc làm. Chỉ số tăng trưởng dưới 7% sẽ khiến nhiều người thất vọng", Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright Việt Nam, trả lời Bloomberg.

Hãng này cũng dẫn lời đại biểu Trần Hoàng Ngân rằng "thách thức lớn nhất" của chính phủ mới là đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 được vạch ra là 6,7%, trong bối cảnh tình trạng hạn hán và nhiễm mặn khiến ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bài phát biểu đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Ngay sau lễ tuyên thệ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Số liệu của Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, thu nhập từ dầu thô và sản xuất nông nghiệp đã giảm trong Quý I năm 2016, dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn, đạt 5,46% so với con số 7,01% của quý 4 năm 2015. Tình hình giá dầu thế giới giảm khiến thu nhập từ dầu thô của Việt Nam cũng giảm đến 54%. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ không tăng trong năm 2016, có thể giảm tốc năm 2017.

Theo Bloomberg, các yếu tố khách quan khiến tăng trưởng giảm, tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công tăng có thể khiến tân Thủ tướng gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực để thực hiện những gói kích thích kinh tế quan trọng.

Về chính sách đối ngoại, chuyên gia Murray Hiebert, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, CSIS, Mỹ, nhận định trên Reuters rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc, song song với thúc đẩy hợp tác với Mỹ nhiều hơn.

Một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam vào tháng tới là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama. "Chúng ta có thể kỳ vọng những nhà lãnh đạo mới sẽ quan tâm thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ để tạo sự cân bằng", ông Murray Hiebert nói.

Ông Nguyễn Xuân Phúc 62 tuổi, quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng 3 khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII.

Trước khi giữ chức Phó thủ tướng (từ tháng 7/2011), ông từng kinh qua nhiều vị trí như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó tổng thanh tra Chính phủ; Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam...

Ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng

Sáng 7/4, 90% tổng số đại biểu Quốc hội đã nhất trí bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm người đứng đầu Chính phủ.

Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Quốc vương Brunei; Tổng thống Singapore và Nhà vua Thụy Điển đã gửi điện chúc mừng nhân dịp ông Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm