Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính thức làm việc tại Vương quốc Hà Lan từ ngày 8 - 11/7.
Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được tổ chức trọng thể vào tối 10/7 tại Dinh thự của Thủ tướng Rutte ở La Hay, Hà Lan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: VGP |
Thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Rutte đã tiến hành hội đàm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về lần đầu tiên thăm Hà Lan trên cương vị thủ tướng, tận mắt chứng kiến các công trình quản lý nước kỳ vĩ của nhân dân Hà Lan.
Thủ tướng Rutte cảm ơn những đánh giá tích cực về quan hệ hai nước; nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp và ấn tượng trước sự phát triển năng động, sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam năm 2014; khẳng định cá nhân ông luôn cảm thấy gắn bó với Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi những biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, dịch vụ hậu cần, cảng biển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Hà Lan, một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong EU. Thủ tướng Rutte khẳng định Hà Lan mong muốn làm sâu sắc hơn nữa hợp tác với Việt Nam - đối tác quan trọng và thị trường tiềm năng hàng đầu của Hà Lan tại Đông Nam Á.
Hai thủ tướng tái khẳng định quyết tâm đưa quan hệ hai nước phát triển đi vào chiều sâu và bền vững. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
|
Về kinh tế, hai Thủ tướng đánh giá cao việc Việt Nam và Hà Lan đã trở thành đối tác quan trọng của nhau khi Hà Lan là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ hai của Việt Nam (kim ngạch hai chiều năm 2016 đạt 6,7 tỷ USD) và là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam hiện nay (tổng vốn FDI đăng ký đạt 7,7 tỷ USD); nhất trí hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển hợp tác.
Thủ tướng Rutte khẳng định Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan ủng hộ EU sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vì Hiệp định sẽ mở ra những cơ hội mới trong hợp tác đầu tư, kinh doanh với Việt Nam.
Hai Thủ tướng vui mừng ghi nhận những kết quả khả quan ban đầu của Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước (ký năm 2010) và Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (ký năm 2014) và nhất trí tiếp tục triển khai tích cực các dự án hợp tác cụ thể liên quan.
Hai bên thống nhất Hà Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cập nhật Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, tái cấu trúc và xây dựng liên kết vùng, tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp, quy hoạch vùng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh hợp tác giữa Rotterdam và TP.HCM; đồng thời nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và bền vững, an toàn thực phẩm, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thịt gia súc, nghiên cứu các giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu...
Hai thủ tướng tái khẳng định quyết tâm đưa quan hệ hai nước phát triển đi vào chiều sâu và bền vững.
Về Biển Đông, hai thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Rutte nhấn mạnh lập trường của Hà Lan ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Hai thủ tướng ký ý định thư giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Hà Lan về tạo thuận lợi triển khai các dự án chuyển đổi quy mô lớn để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Ngay sau Hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Mác Rutte đã cùng Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện cho Nhóm Ngân hàng Thế giới ký Bản ghi nhớ về hợp tác quản lý an toàn thực phẩm.
Hai thủ tướng đã ký Ý định thư về các dự án chuyển đổi quy mô lớn ở đồng bằng sông Cửu Long; chứng kiến lãnh đạo các bộ, ngành hai nước ký và trao các văn kiện hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng, phòng chống thiên tai, hợp tác cảng biển và hậu cần...
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Rutte thăm Việt Nam. Thủ tướng Rutte đã vui vẻ nhận lời.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm chính thức làm việc tại Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.