Ngày 4/1, tại hội nghị tổng kết của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, 5 năm qua ngành Giao thông đi đầu trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Riêng đường bộ là 186.000 tỷ trên tổng số 202.000 tỷ. Trong đó, nhiều công trình đồng bộ, hiện đại, như cầu Nhật Tân, cao tốc Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga T2. Hay sự phát triển của hệ thống cao tốc với hơn 700 km đường trên cả nước.
Thủ tướng: "Không thể cứ cắp cặp ra Trung ương xin ngân sách". Ảnh: VGP. |
Những công trình nhỏ sao cứ chờ ngân sách?
Thủ tướng đánh giá, ngành Giao thông đã có nhiều thành tựu trong tái cơ cấu, kiểm soát tai nạn giao thông, khắc phục một bước về ùn tắc giao thông... Điều này đóng góp vào thành tựu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu ngành Giao thông tiếp tục nâng cao năng lực hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Tập trung vào thể chế, cơ chế, chính sách để lĩnh vực giao thông vận tải tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị ngành Giao thông tiếp tục huy động nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng từ trung ương tới các tỉnh, thành phố và đến cấp xã.
"Nhiều nơi, các cháu đi đò ngang để đi học rất khổ sở và nguy hiểm. Nhưng có người đầu tư làm cầu và thu phí đã giảm được rất nhiều nguy hiểm. Những công trình nhỏ như vậy cứ chờ ngân sách? Không thể cứ cắp cặp ra Trung ương xin ngân sách”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá “chi phí vận tải của Việt Nam còn rất cao”, ngành Giao thông vận tải cần quan tâm giảm giá thành, giảm chi phí vận tải để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Hiện, một số hàng hóa trong nước muốn điều hòa ngay ở trong nước cũng khó khăn vì chi phí phí vận tải còn cao”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Đầu tư ngoài ngân sách cho giao thông tăng vọt
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, ngành Giao thông đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000 m cầu đường; khai thác 704 km cao tốc, vượt 104 km so với mục tiêu đề ra.
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được nâng cấp, mở rộng và khai thác sớm hơn 1,5 năm; hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, sớm hơn 1 năm.
Ngoài ra, hàng loạt công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác như cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; các cầu lớn như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì…
Theo ông Nhật, đây cũng là giai đoạn, ngành Giao thông kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được nhiều nhất. Cụ thể, số vốn ngoài ngân sách đầu tư cho lĩnh vực đường bộ là 186.660 tỷ đồng trên tổng số 202.556 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay. Lĩnh vực cảng biển thu hút 121.453 tỷ đồng trên tổng số 157.600 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay.
Giai đoạn 2011-2015, ngành Giao thông đã thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA cho 33 dự án (tổng số vốn ODA đã cam kết được đến nay là 18,46 tỷ USD cho 133 dự án).
Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ về đích sớm hơn 1 năm. Ảnh: CTV |
Tiết kiệm 57.000 tỷ đồng trong xây dựng dự án giao thông
Bộ Giao thông cũng đã rà soát 68 dự án và tiết giảm được khoảng 57.242 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu. Trong đó, rà soát, phân kỳ đầu tư giúp giảm 13.463 tỷ đồng; rà soát phân kỳ quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp giảm 16.245 tỷ đồng; lựa chọn giải pháp thiết kế hợp lý, giúp giảm 15.942 tỷ đồng; đẩy nhanh tiến độ thi công, GPMB giảm 9.943 tỷ đồng.
Riêng dự án mở rộng, nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và mở rộng Quốc lộ 1A đã tiết giảm 17.000 so với tổng mức vốn dự kiến. Bộ Giao thông đánh giá diện mạo giao thông đất nước đã chuyển biến tích cực cả trên 5 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.
Về giao thông đô thị, Thứ trưởng Nhật cho rằng, ngành Giao thông đã tập trung đầu tư các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên là các vành đai Hà Nội và TP HCM cùng với tập trung triển khai 6 dự án đường sắt đô thị.
Trong năm 2016, Bộ Giao thông đặt mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác 61 công trình, dự án; khởi công, triển khai thi công mới 78 công trình, dự án.