Thủ tướng phát biểu tại phiên họp sáng 5/5. Ảnh: Nhật Bắc. |
Sáng 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.
Các ý kiến phát biểu thống nhất 4 tháng đầu năm tình hình tồn tại nhiều khó khăn, thách thức hơn cơ hội và thuận lợi. Trên thế giới, tăng trưởng giảm, lạm phát vẫn neo ở mức cao; các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp. Trong nước, quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.
10 điểm nổi bật trong điều hành
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 10 điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành tháng 4 và 4 tháng vừa qua.
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp , thị trường bất động sản.
Thứ hai, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia với 5 tổ công tác được thành lập.
Thứ ba, cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ tư, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất (Nghị định 12) và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ sáu, xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Thứ bảy, tổ chức các hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội gắn với các hội nghị xúc tiến đầu tư.
Thứ tám, tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác quy hoạch, chuyển đổi số, du lịch, ngoại giao kinh tế, thực hiện Đề án 06, các phiên họp Ban chỉ đạo về cải cách hành chính, các công trình trọng điểm quốc gia... gặp mặt các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để lắng nghe các ý kiến một cách cầu thị.
Thứ chín, tập trung xử lý quyết liệt, có hiệu quả với các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém. Trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương, đã tìm được đầu ra cho 8 dự án. Cùng với đó, xử lý các vấn đề liên quan Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, Nhiệt điện sông Hậu 1; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khánh thành mà không sử dụng thêm ngân sách và còn tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và xử lý các vấn đề liên quan ngân hàng SCB...
Thứ mười, tập trung thúc đẩy các dự án hạ tầng chiến lược, vừa khánh thành các tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Dầu Giây - Phan Thiết và các dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang sẽ hoàn thành trong tháng 5 tới. Khởi công 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2 với chiều dài 729 km và khẩn trương chuẩn bị khởi công các dự án kết nối đông tây, các tuyến vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM… đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền và chuẩn bị triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề cần lưu ý như việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; Trung Quốc mở cửa, phục hồi vừa mang lại cơ hội vừa có những thách thức; rủi ro tài chính, tiền tệ, bất động sản trên thế giới còn cao.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ lớn. Trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ nhất là tập trung chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Trung ương, Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Thứ hai là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành hài hòa, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát… Hiện nay, lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và hiện hữu.
Về cầu tiêu dùng, sớm có các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước; sớm có các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư tư nhân. Về xuất khẩu, cần tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán các FTA.
Về cung, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Nhóm nhiệm vụ lớn thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế; làm tốt công tác quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt; tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay; rà soát và có giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội và 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ, thủy sản.
Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án giảm 2% VAT; trình phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu; tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ôtô; đề xuất xử lý bất cập, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, công khai tỉ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Xây dựng cần đôn đốc thực hiện nghiêm Nghị quyết 33 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; phối hợp Bộ Công an tháo gỡ vướng mắc trong các thông tư về phòng cháy, chữa cháy, ban hành trước ngày 15/5; tích cực triển khai đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Bộ Giao thông Vận tải được yêu cầu tập trung triển khai mạnh mẽ hơn nữa các công trình trọng điểm quốc gia, ủy quyền, phân cấp một số dự án cho địa phương.