Trong hai ngày 28-29/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017.
Nhìn lại năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra 10 kết quả tích cực cũng như 9 tồn tại, hạn chế nổi bật, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm hành động, khắc phục khó khăn, yếu kém để phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ thời gian tới.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Ảnh: VPG. |
10 kết quả nổi bật
Một, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế khá (CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á 5,5%, khu vực Đông Nam Á 4,5%).
Hai, kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc. Lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Ba, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục. Vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay.
Tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á và khu vực Đông Nam Á. Đồ họa: Nhật Lâm. |
Bốn, khu vực dịch vụ, du lịch khởi sắc. Khu vực dịch vụ tăng 6,98%; thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.
Năm, môi trường kinh doanh được cải thiện. Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc so với năm 2015.
Sáu, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến nay có 30 đơn vị cấp huyện và 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt trên 25%.
Bảy, các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 8,5%. Tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lượt người.
Tám, công tác xây dựng pháp luật được chú trọng. Ban hành 162 nghị định quy định chi tiết các luật, nhất là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; không còn nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Chín, tập trung phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Mười, chỉ đạo quyết liệt xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách, bức xúc, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; quyết tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
9 tồn tại, hạn chế nổi bật
Tuy vậy, bên cạnh 10 kết quả tích cực, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra 9 mặt tồn tại, hạn chế nổi bật trong năm 2016.
Một, ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 36,7% do giá dầu thô giảm mạnh.
Hai, thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng.
Ba, sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.
Bốn, các dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn.
Năm, các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng.
Sáu, xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Bảy, nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra.
Tám, có các sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh
Chín, xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm (xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giảm 4 bậc, ở vị trí 60; Việt Nam đứng thứ 6 trong các nước ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2016 giảm 7 bậc, xếp hạng 59 trong tổng số 128 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á).
Không báo cáo thành tích
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thảo luận tại hội nghị phải ngắn gọn, súc tích, trực diện, có các số liệu minh chứng rõ ràng; không nêu vấn đề một cách chung chung.
Thủ tướng đề nghị mỗi bộ ngành báo cáo không quá 15 phút, địa phương không quá 10 phút, không báo cáo thành tích mà tập trung đi vào làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay, phương pháp làm việc, cách thức chỉ đạo.
Tập trung sâu vào phân tích, đánh giá sát bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế để đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, yếu kém trong từng ngành, từng lĩnh vực. Quan tâm lựa chọn, đề xuất những ngành, lĩnh vực ưu tiên đột phá, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Đặc biệt, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải trên tinh thần đổi mới, khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm... phục vụ người dân, doanh nghiệp,.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trước các vấn đề, kiến nghị, đề xuất của các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành tiến hành giải trình, giải đáp, làm rõ “ngọn nguồn vấn đề”, nêu rõ quan điểm, ý kiến, phương hướng xử lý… ngay tại hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Báo cáo khẳng định năm 2016 dù còn những yếu kém, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta đã vượt qua được những khó khăn, thách thức, tiếp tục đà phát triển. "Niềm tin thị trường tăng lên, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, công tác xây dựng thể chế được quan tâm; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... là những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong năm 2017" Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
GDP tăng 6,21%
Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước đạt 6,21%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 tăng 0,23%. Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến 15/12 đạt 93% dự toán (cùng kỳ đạt 97,1% dự toán). Đầu tư xã hội năm 2016 ước đạt 1.485 nghìn tỷ đồng bằng khoảng 33% GDP.
Năm 2016 cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và 48,1% về số vốn đăng ký so với cung kỳ năm 2015.