Tham dự có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 địa phương tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng cho biết như lời dạy của Bác Hồ, có 4 việc quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh là ăn, mặc, ở và đi lại cần phải đặc biệt quan tâm. Hiến pháp năm 2013 cũng ghi rõ, người dân có quyền có nhà ở và có chính sách hỗ trợ để phát triển nhà ở.
Cụ thể hóa những vấn đề này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII có ghi: Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn phát triển nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên.
Chính phủ đã có Chiến lược quốc gia về nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và cử Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà làm Phó trưởng ban Thường trực.
“Tôi nói những vấn đề trên để thấy rằng chúng ta thực hiện nghiêm túc những vấn đề về mặt thực tiễn và cơ sở pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng Hội nghị toàn quốc hôm nay sẽ bàn về những vấn đề, những công việc gì trong chỉ đạo thực hiện, những mô hình nào đã làm tốt, cần nhân rộng trong phạm vi cả nước.
Đặc biệt, có những cơ chế chính sách nào để các đơn vị có chức năng có thể làm nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân, nhất là người nghèo, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, công nhân.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. |
“Hôm qua, trước khi dự Hội nghị này, tôi và anh Hà (Bộ trưởng Phạm Hồng Hà) có đến xem khu Đặng Xá, Hà Nội, do Viglacera làm chủ đầu tư. Có thể nói đây là khu rất điển hình, không chỉ là cách làm như nhà ở thương mại có, nhà ở cho thuê có, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người nghèo, người nghỉ hưu, tuổi cao chiếm tỷ lệ rất cao.
Ở đó, người ta đã quy hoạch, thiết kế và xây dựng được một thiết chế văn hóa cho người dân trong một cộng đồng dân cư đoàn kết, an ninh trật tự tốt”, Thủ tướng nói. “Chúng ta rút ra điều gì từ việc làm khu Đặng Xá này?”.
Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng khi gần đây, qua thông tin báo chí, được biết nhiều chủ đầu tư, với sự hỗ trợ của địa phương, đã tung ra gói nhà ở xã hội rất lớn, tới 300.000 căn, giá cả hấp dẫn và thu hút nhiều người mua.
“Còn nhiều nơi ở miền Nam, miền Trung, miền Tây Nam Bộ, ở mọi miền Tổ quốc có thể làm được như thế không”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng hoàn toàn có thể làm được, nếu như các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương quan tâm, có cơ chế phù hợp để tổ chức xây dựng nhà ở xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị nhằm rút ra cách làm, cơ chế cần thiết để làm nhà ở xã hội ở mọi miền Tổ quốc, chứ không chỉ ở Hà Nội.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết đến nay đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị và khu công nghiệp.
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này còn gặp một số tồn tại, hạn chế. Tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ). Như vậy, so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.
Việc phối hợp giữa các bộ, ngành có lúc chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ.
Cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội còn có sự mất cân đối. Việc phát triển phân khúc nhà ở cho thuê tuy có được ưu đãi hơn các phân khúc khác, nhưng còn rất chậm, do xây dựng nhà ở cho thuê cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn hiện nay chủ yếu là vay thương mại ngắn hạn, tiền thuê nhà không đủ bù đắp chi phí đầu tư xây dựng và chi phí tài chính.
Bên cạnh đó, tâm lý người dân vẫn muốn sở hữu nhà ở hơn là thuê, thuê mua, vì vậy việc phát triển mô hình nhà ở cho thuê, thuê mua còn nhiều khó khăn.