Sáng 19/9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, chính thức khai mạc với sự tham dự của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng 1.300 đại biểu.
Vai trò ngày càng quan trọng
Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân cũng như thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mở rộng quan hệ hữu nghị.
Theo người đứng đầu Chính phủ, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện. Kinh tế ổn định và liên tục tăng trưởng. Sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng cao, cải cách hành chính tiến bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Minh Quân. |
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh quyết liệt hơn bao giờ hết và đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng cho rằng MTTQ tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở nước ta.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn đề cập những những hạn chế, bất cập trong công tác mặt trận.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ảnh: Minh Quân. |
Theo đó, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế. Hoạt động của MTTQ ở một số nơi chậm đổi mới, kém hiệu quả; chưa khắc phục được tình trạng hành chính hoá.
Trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, khó lường, Thủ tướng nhắc lại bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và tiếp tục là những thách thức không nhỏ, tuyệt đối không được xem nhẹ.
“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá' của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục”, ông nói.
Ngoài ra, diễn biến mới, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng trên Biển Đông, đe doạ hoà bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; sự chống phá của các thế lực thù địch; thiên tai, dịch bệnh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu… là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
MTTQ cần tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát xã hội
Gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội xem xét, thảo luận, quyết định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến nhiệm vụ đổi mới hình thức hoạt động nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động.
“Mặt trận cần phát huy dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; làm sao để MTTQ là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 19/9. Ảnh: Minh Quân. |
Đặc biệt, Mặt trận cần làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan Đảng, Nhà nước; chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Ngoài ra, Mặt trận cần thường xuyên theo dõi, giám sát việc xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của nhân dân.
“Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe và giải quyết khó khăn, vướng mắc, yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn MTTQ chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.
Bên cạnh đó là việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan Nhà nước, góp phần làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh.
Ngoài chủ động tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh Mặt trận cần phát huy vai trò tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch.
“Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ánh, tố giác tội phạm, tham nhũng, 'lợi ích nhóm', tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân”, Thủ tướng nói.