Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng lý giải việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch

"Nhiều mặt chưa dự báo hết nên phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, cấp chính quyền, đặc biệt là sự kêu gọi, hưởng ứng, đồng tình của nhân dân", Thủ tướng nói.

Sau chuyến kiểm tra thực địa nhiều nơi sáng 26/8, chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính họp trực tuyến với lãnh đạo 312 phường, xã của TP.HCM từ trụ sở UBND TP.

Nhiều mặt chưa dự báo hết

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 vì tình hình dịch diễn biến rất phức tạp trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe, tính mạng của nhân dân, tác động nhiều mặt đến kinh tế xã hội.

"Nhiều mặt chưa dự báo hết nên phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, đặc biệt là sự kêu gọi, hưởng ứng, đồng tình của nhân dân. Do đó, phải tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo do Thủ tướng làm Trưởng ban để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc", ông nói.

Thu tuong Pham Minh Chinh tai TP.HCM anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết mục đích của cuộc họp với toàn bộ lãnh đạo cấp xã, phường cũng như lãnh đạo TP.HCM là để đánh giá quá trình thực hiện giãn cách xã hội theo 3 nấc - Chỉ thị 15, 16 và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ông yêu cầu xem lại các biện pháp, chủ trương đã đúng, sát thực tế chưa, khả thi chưa; đã đúng, đã trúng thì làm thế nào cho quyết liệt, chặt chẽ, hiệu quả.

Mục tiêu trước hết là thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ và công điện 1099, 1102 của Thủ tướng.

"Việc này là việc khó, chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi bổ sung, hoàn thiện dần", ông nhận định.

Lấy gần 950.000 mẫu test nhanh trong 3 ngày

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết chiều 25/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã sơ kết 3 ngày thực hiện công điện 1099 và Chỉ thị 11.

Theo đó, lưu lượng giao thông giảm 90% so với ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 25% so với ngày 22/8. Các cấp chính quyền và người dân đánh giá chủ trương "xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp thành pháo đài" là đúng đắn.

Tuy nhiên, ông Mãi chỉ ra rằng quá trình tổ chức còn 2 vấn đề. Thứ nhất, lãnh đạo địa phương như chủ tịch, bí thư chưa nhận thức đầy đủ việc quyết liệt xây dựng xã, phường mình thành "pháo đài", chỉ đạo tất cả hệ thống thực hiện nghiêm giãn cách. Thứ hai, một bộ phận người dân chưa chấp hành.

Thu tuong Pham Minh Chinh tai TP.HCM anh 2

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thuận Thắng.

Về xét nghiệm, từ 23/8 đến nay, thành phố đã lấy 947.000 mẫu test nhanh ở vùng đỏ, cam, đạt kết quả như kế hoạch. Trong đó, 32.700 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 3,4%. Tuy nhiên, vẫn còn một số quận, huyện vùng vàng, xanh triển khai xét nghiệm chậm, có nơi đạt tỷ lệ chưa tới 50%. Đây là hạn chế phải tập trung giải quyết thời gian tới.

Về vaccine, đến 26/8, TP.HCM đã tiêm 5,6 triệu liều. Nhưng những ngày gầy đây, số lượng tiêm vaccine rất thấp, chỉ 55.000. Đây cũng là vấn đề mà các địa phương phải tập trung tuyên truyền, vận động, tổ chức để triển khai tốt hơn thời gian tới.

Hiện, thành phố quản lý khoảng 38.000 ca F0 đang điều trị. Trong 3 ngày, 401 trạm y tế lưu động đã được thành lập với sự tham gia của các tổ quân y, Bộ Quốc phòng. Các trung tâm hồi sức quốc gia đã hoàn thiện, đi vào hoạt động; đồng thời, thành phố đang tiếp tục mở rộng, kết nối các tầng để điều trị kịp thời cho F0 chuyển nặng.

Về cung ứng hàng hóa và đảm bảo an sinh xã hội, thành phố chuẩn bị làm việc với các nhà cung ứng để đảm bảo nguồn cung từ bên ngoài và từ thành phố đến xã, phường, thị trấn. Việc mua hàng hộ, đưa hàng từ các điểm của xã, phường, thị trấn về hộ dân thì được các tổ công tác đặc biệt, tình nguyện viên cơ sở đảm nhận.

Thu tuong Pham Minh Chinh tai TP.HCM anh 3

Lực lượng quân đội trao lương thực, thực phẩm tới tận nhà dân. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thành phố đang khẩn trương triển khai chính sách an sinh bằng tiền mặt với mức 1,5 triệu đồng/hộ. Hiện, hơn 540.000 gói an sinh đã được trao đến gia đình khó khăn. 2 triệu gói an sinh cũng đang được khẩn trương triển khai, cấp phát cho dân.

Về sản xuất an toàn, các doanh nghiệp, hiệp hội đang duy trì sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" để đảm bảo không đứt gãy; đảm bảo hoạt động logistics để phục vụ xuất nhập khẩu thông suốt.

Thành phố đề ra một số mục tiêu thời gian tới. "Pháo đài" xã, phường, thị trấn phải huy động thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Tăng chấp hành nhưng gắn với xử lý nghiêm vi phạm. Đẩy nhanh xét nghiệm tiêm vaccine để đảm bảo đến ngày 6/9 và 15/9 thực hiện được mục tiêu như kế hoạch. Việc xét nghiệm cũng phải khẩn trương hoàn thiện theo kế hoạch.

Trong 3 ngày tới, thành phố quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, có kế hoạch để đảm bảo tỷ lệ tiêm trên 90% đến 15/9 và tiêm mũi 2 theo tiến độ.

Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố cũng sẽ tập trung giải ngân cách gói chính sách, chuẩn bị cung cấp các gói lương thực, thực phẩm. Trong tuần tới, nhu cầu mua hàng sẽ tăng cao nên xã, phường, thị trấn phải chuẩn bị kỹ để đảm bảo cấp phát lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân.

3 kiến nghị

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra 3 kiến nghị với Thủ tướng. Thứ nhất, ông đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế tiếp tục tăng cường thuốc điều trị cho F0; trang thiết bị chuyên dụng điều trị Covid-19 như máy thở...; tăng phân bổ vaccine để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đạt miễn dịch cộng đồng.

Thứ hai, ông đề nghị Bộ Y tế và các địa phương, cơ quan tiếp tục hỗ trợ lực lượng, phương tiện trước ngày 15/9 để TP.HCM triển khai hoạt động phòng, chống dịch trong giai đoạn cao điểm.

Thứ ba, thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các tỉnh, thành phố thống nhất trong việc lưu thông hàng hóa. Nhiều tỉnh, thành vẫn chưa tạo điều kiện cho tài xế dù đã có mã QR Code và chứng nhận âm tính.

"Nên có chính sách vùng trong phòng, chống dịch để đồng bộ, thông suốt", Chủ tịch TP.HCM kiến nghị.

Chuyến làm việc của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa được kiện toàn lại hôm 25/8. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban. 4 phó ban gồm: Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Lê Văn Thành và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Ngày 23/8, Thủ tướng đã ban hành công điện 1102 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Gần 4 tháng sau khi bùng phát trở lại, dịch bệnh tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp. Thành phố là tâm dịch lớn nhất cả nước với hơn 190.000 ca nhiễm (tính đến 25/8).


Thủ tướng: Chịu khổ 10 ngày, 20 ngày còn hơn khổ cả năm Sáng 26/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có mặt tại TP.HCM để kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bốn lãnh đạo Chính phủ tham gia Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch

Ban chỉ đạo được kiện toàn với vai trò Trưởng ban giao cho Thủ tướng Phạm Minh Chính. Bốn phó ban gồm 3 phó thủ tướng và 1 phó chủ tịch Quốc hội.

Thủ tướng: Chịu khổ lúc này để nhanh bình thường trở lại

Ngay sau khi đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vào TP.HCM để kiểm tra công tác chống dịch tại đây.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm