Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Beirut (Lebanon), ngày 20/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN. |
Ngày 21/9, Thủ tướng Lebanon, ông Najib Mikati thông báo đã hủy chuyến đi đến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và lên án "những vụ thảm sát kinh hoàng" sau các cuộc không kích của Israel.
Trước đó, cùng ngày, Israel tuyên bố đã tiến hành cuộc không kích vào Thủ đô Beirut, tiêu diệt một chỉ huy cùng nhiều nhân vật cấp cao khác của Hezbollah ở Lebanon.
Hezbollah đã xác nhận chỉ huy Ibrahim Aqil - người đứng đầu lực lượng Radwan kiêm phó chỉ huy lực lượng vũ trang này đã thiệt mạng trong cuộc không kích này.
Trong phản ứng của mình, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan bày tỏ lo ngại về sự leo thang giữa Israel và Lebanon sau cuộc không kích.
Tuy nhiên, phát biểu với các phóng viên, ông Sullivan cho biết vẫn nhìn thấy con đường dẫn đến lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Về phần mình, Tổng thống Cộng hòa Síp, Nikos Christodoulides đã kêu gọi các bên ở Trung Đông kiềm chế.
Trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Lebanon Najib Mikati và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày, Tổng thống Christodoulides "bày tỏ quan ngại sâu sắc" về sự leo thang căng thẳng trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh “sự cần thiết phải chấm dứt ngay lập tức các hành động có thể dẫn đến mất ổn định hơn nữa, và tác động rộng hơn đến toàn khu vực.”
Ông Christodoulides khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và ngoại giao, trong khuôn khổ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Tổng thống Christodoulides đã đề cập đến sự sẵn sàng của Síp trong việc tiếp tục là cầu nối cho những nỗ lực như vậy, cũng như sự tiếp xúc giữa các bên trên cơ sở mối quan hệ với tất cả các quốc gia trong khu vực.
Síp là quốc gia thành viên Liên minh châu Âu ((EU) có vị trí địa lý gần nhất với Trung Đông và có mối quan hệ tốt với cả Lebanon và Israel.
Đầu năm nay, Síp đã trở thành cầu nối trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo vào Gaza. Nước này cũng cho biết sẽ hỗ trợ sơ tán dân thường khỏi khu vực nếu căng thẳng leo thang.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...