Theo ban tổ chức, Thủ tướng sẽ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề xuất các giải pháp để thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ cùng một số bộ trưởng, trưởng ngành đối thoại, trả lời câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn và thuận lợi, các chính sách, chương trình, hành động hỗ trợ phát triển…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với doanh nghiệp lần thứ hai (2017). Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được Thủ tướng giao tổ chức hội nghị, cho biết Chính phủ truyền tải thông điệp: “Thế giới đang thay đổi, hội nhập mạnh mẽ, thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội ngày một phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh, đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường”.
Từ đầu nhiệm kỳ, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng liên tục. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.
Cả nước đang có khoảng 760.000 doanh nghiệp, tiến sát mục tiêu 1 triệu vào năm 2020.
Cuối tháng 4/2016, chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lần đầu đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Cuộc đối thoại diễn ra tại TP.HCM, kéo dài từ sáng đến 13h30 chiều.
Khi đó, Thủ tướng đã ghi nhận nhiều phát biểu tâm huyết, đóng góp giải pháp của hàng trăm doanh nhân trên cả nước.
Một năm sau, hội nghị lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội. Ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã ký chỉ thị yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng.