Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Công Thương sáng 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ngành công thương năm 2017 gặp một số khó khăn như xuất khẩu khó, vướng các dự án yếu kém…nhưng cũng đã đạt nhiều thành tích. Đặc biệt, ngay trước buổi sáng tổ chức Hội nghị, tại hội trường, Thủ tướng đã ký quyết định về việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số hơn 1.200 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương.
Mong muốn có 50 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như PVN, TKV, Vinatex, Petrolimex, EVN, Sabeco…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem thương vụ bán vốn Sabeco thành công, thu về cho Nhà nước 110.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD) là một khuôn mẫu điển hình về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại thương vụ bán cổ phần Nhà nước tại Sabeco đạt được kết quả cao, và đánh giá đó là một trong những thương vụ lớn nhất cuối năm 2017. Thành công này cũng là một bài học để chống tham nhũng, không nghe tư vấn một chiều và là kinh nghiệm cho việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước khác.
Trong lĩnh vực thương mại, Thủ tướng nói: “Việt Nam đã có 29 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Ước gì chúng ta có khoảng 50 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì sẽ rất tuyệt vời”, ông nói.
Bên cạnh thành tích, Thủ tướng nhấn mạnh một số tồn tại yếu kém và yêu cầu tập trung tháo gỡ. Đó là chiến lược quy hoạch của ngành còn chậm. Chưa khắc phục tình trạng thiếu nghiêm túc thực hiện quy hoạch, còn tồn tại tính xin cho, quy hoạch các sản phẩm cần tính toán hợp lý.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành phải định hướng phát triển công nghiệp để giảm phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh không bền vững, chuyển sang nền công nghiệp xanh, sáng tạo, lấy khoa học công nghệ là động lực mới.
Khâu thị trường cũng được đánh giá còn yếu, sản xuất và xuất khẩu vẫn tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, an toàn thực phẩm vẫn chưa được ngăn chặn quyết liệt, nhất là vật tư nông nghiệp giá cả cao, chất lượng kém, chưa phục vụ người dân.
Ngoài ra, việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa chú trọng tư nhân, hợp tác xã để cùng với Nhà nước phát triển ngành công thương.
Năm 2018, Thủ tướng cho rằng ngành công thương cần định hướng sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có chiều sâu trong phát triển, trong đó có việc tái cơ cấu, đẩy mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, phục vụ nông nghiệp, công nghiệp phục vụ các tập đoàn đa quốc gia... Ngoài ra cần nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, không chỉ dựa vào khu vực Nhà nước.
“Mãi mãi theo truyền thống thì không đủ ăn. Làm sao để công nghiệp, thương mại hướng vào nông nghiệp nông thôn tăng năng suất lao động, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Làm sao để phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam”, ông nói.
Doanh nghiệp ôtô trong nước đề xuất có chính sách hỗ trợ khi thuế nhập khẩu về 0%. |
Doanh nghiệp tiếp tục kêu khó
Đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo Bộ Công Thương trong cắt giảm thủ tục hành chính, bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong năm qua, song nhiều doanh nghiệp cho biết việc sản xuất, kinh doanh vẫn còn rào cản.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex, nêu hàng loạt khó khăn trong kinh doanh và xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hạt điều, hồ tiêu…
Theo ông Nam, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu trên thế giới nhưng chủ yếu là xuất sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Để cải thiện điều này, các doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến sâu. Doanh nghiệp ông đầu tư nhà máy cà phê hòa tan trị giá 6.000 tỷ đồng và kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng cà phê.
"Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính đang đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với cà phê hòa tan đóng gói khiến doanh nghiệp đang có cảm giác Bộ Tài chính tận thu hơn là nuôi dưỡng”, ông Nam nói.
Doanh nhân này còn cho rằng ngành nông nghiệp đang rất cần vốn vay để phát triển sản xuất, nâng cao giá trị để xuất khẩu. Nhưng hiện nay ngân hàng chỉ tập trung cho vay vào lĩnh vực bất động sản, trong khi cho nông nghiệp vay rất ít.
“Chỉ có số ít ngân hàng cho vay nông nghiệp nhưng lãi suất rất cao. Không hiểu ngân hàng sợ rủi ro hay sợ vấn đề gì. Trong khi tôi thấy rủi ro là rất thấp”, ông nói.
Vị này đề xuất Ngân hàng Nhà nước áp dụng định mức cho vay, chỉ tiêu vốn đối với các ngân hàng dành cho ngành nông nghiệp. Đề xuất ưu tiên và có những ưu đãi tạo nguồn vốn phát triển nông nghiệp.
Cũng "kêu khó" với ngành công thương, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Hyundai Thành Công, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến việc phát triển ngành công nghiệp ôtô.
Theo ông Đức, năm 2017, Việt Nam tiêu thụ 278.600 ôtô. Con số này giảm 9,3% so với 2016. Năm vừa qua có nhiều khó khăn với ngành công nghiệp ôtô mà nguyên nhân chủ yếu là tâm lý khách hàng chờ đợi giảm giá xe năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN về 0%.
“Khi ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN nhập về với giá rẻ sẽ gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Trình độ sản xuất của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở lắp ráp và sản xuất những linh kiện đơn giản, trong khi chịu nhiều chi phí, chưa kể nhập khẩu tăng sẽ gây áp lực nhập siêu của nền kinh tế sẽ ngày càng gia tăng”, ông Đức nói.
Ông Đức đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh một số mức thuế, phí với ngành ôtô. Ngoài ra cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với phần giá trị sản xuất trong nước của ôtô.
Thuế nhập khẩu nguyên liệu cho các nhà sản xuất, đầu tư linh kiện tại Việt Nam cũng được đề xuất miễn. Khi tối ưu giá đầu vào, các nhà sản xuất sẽ làm tốt linh kiện, phụ tùng trong nước. Doanh nhân này cũng kiến nghị thu hút các doanh nghiệp lớn toàn cầu đầu tư dây chuyền sản xuất ôtô tại Việt Nam.