Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Không nhất thiết trường ĐH nào cũng có sân bóng

"Chúng ta còn hết sức khó khăn nên phải tính toán kỹ, không nhất thiết mỗi trường phải có một sân bóng đá", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tháo gỡ vương mắc dự án ĐH Quốc gia.

Sáng 13/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành và TP.Hà Nội nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội.

Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội là những dự án lớn về giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, được phê duyệt đầu tư xây dựng từ rất lâu song tiến độ triển khai chậm trễ, kéo dài mà nguyên nhân chủ yếu là do giải phóng mặt bằng và thiếu cơ sở hạ tầng.

Cả 2 Dự án hiện mới chỉ giải phóng được 70% diện tích; số vốn còn thiếu để đền bù, thu hồi đất, tái định cư của cả hai khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó Dự án đầu tư xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội mới bàn giao được 990/1.469 ha và cần thêm 900 tỷ đồng để tiếp tục giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp sáng 13/8. Ảnh: CP.

Việc chậm trễ này được đánh giá có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, cả về quyết tâm trong chỉ đạo, triển khai cũng như khó khăn về nguồn lực. Tại cuộc họp, các ý kiến nêu rõ nếu không quyết tâm và hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong 1-2 năm tới thì việc thực hiện các công việc này sẽ ngày càng khó khăn, phức tạp hơn, chi phí sẽ tăng cao và đặc biệt sẽ thu hẹp cơ hội thu hút và triển khai nhanh các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư lớn, công nghệ cao, dự án các trường đại học chất lượng cao mà các nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết và quan tâm.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, dự án đầu tư xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là 2 dự án quan trọng về giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ. Chủ trương của Trung ương về xây dựng 2 Đại học Quốc gia và 2 Khu công nghệ cao của đất nước tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là chiến lược và nhất quán để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút các dự án công nghệ cao.

“Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và cạnh tranh, nhất là cạnh tranh về năng suất, hiệu quả, đồng thời tham gia vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu thành công, chúng ta phải có các cơ sở đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao và các dự án công nghệ cao để tạo đột phá”, Thủ tướng nói.

Thể hiện thái độ nghiêm túc trước những hạn chế, yếu kém trong việc triển khai chậm trễ 2 dự án quan trọng này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, UBND Hà Nội, các Ban Quản lý Dự án nhằm hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian sớm nhất, không để tiếp tục kéo dài như vừa qua.

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu không điều chỉnh quy mô tổng thể của dự án đã được phê duyệt mà chỉ tập trung rà soát để điều chỉnh các dự án thành phần trong nội khu của các Dự án cho phù hợp. Trong đó, rà soát các dự án về hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, xử lý rác thải... để thực hiện kết nối đồng bộ hạ tầng của 2 dự án và giữa 2 dự án, tránh đầu tư lãng phí; rà soát lại từng dự án cụ thể đảm bảo các dự án này phải đáp ứng tiêu chí là các dự án công nghệ cao và dự án nghiên cứu - phát triển, kiên quyết loại bỏ, rút giấy phép các dự án không đáp ứng yêu cầu này, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với việc cấp giấy phép cho các dự án không đáp ứng tiêu chí.

Thủ tướng cũng yêu cầu việc cấp phép cho các dự án phải tính toán và cấp diện tích phù hợp, không được lãng phí đất; đồng thời rà soát các công trình tiện ích công cộng trên cơ sở không đầu tư lãng phí, đảm bảo sử dụng chung và có cơ chế khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các công trình này.

“Chúng ta còn hết sức khó khăn nên phải tính toán kỹ, tiết kiệm, đừng để lãng phí. Không nhất thiết mỗi trường đại học phải có một sân bóng đá” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Về nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán tổng số vốn, cân đối nguồn và ưu tiên bố trí vốn trong 2 năm 2015 và 2016 trình Thủ tướng quyết định trong tháng 8/2014. Bên cạnh đó, UBND Hà Nội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các cơ chế đặc thù để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi đất, đền bù, tái định cư để nhanh chóng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Nhật Lâm

Bạn có thể quan tâm