Chiều 11/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng 5 năm qua, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đoàn kết, phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần rất quan trọng đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách chưa từng có và đạt kết quả đáng khích lệ.
Thủ tướng nêu một số thành tựu quan trọng của nền kinh tế, như quy mô nền kinh tế đã đứng thứ 44 thế giới; Việt Nam là một trong 10 nước tăng trưởng cao nhất trong năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra; lạm phát được kiểm soát; nợ công trong tầm kiểm soát; dự trữ ngoại hối kỷ lục.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị chiều 11/3. Ảnh: Đức Tuân/VGP. |
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nên nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Do đó, hai cơ quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong nhiều nhiệm vụ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần “vaccine + 5K”, tiếp tục phòng chống dịch bệnh, không được phép lơ là, chủ quan dù đã có vaccine; tiếp tục phối hợp củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội.
"Nếu không tăng cường khối đại đoàn kết, không đồng thuận xã hội thì khó có thể thành công", Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), cho biết đại biểu của các đoàn thể và nhân dân có nói thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ sâu sát, đất nước giành được nhiều thắng lợi quan trọng, mặc dù trong hoàn cảnh rất khó khăn.
"Đặc biệt, nhiệm kỳ qua, Chính phủ tiếp xúc với mọi tầng lớp nhân dân, công nhân, nông dân, trí thức, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài và văn nghệ sĩ, làm cho hoạt động của Chính phủ gắn với dân nhiều hơn. Nhờ đó dẫn đến đồng thuận xã hội cao hơn”, ông Túc nói.
Theo TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các chính sách của Chính phủ có sự tham gia thảo luận, có ý kiến của MTTQ thì sự đồng thuận xã hội sẽ tăng lên.
Ông lấy ví dụ về câu chuyện nhiều tỉnh đề xuất làm sân bay, một vấn đề cần thảo luận về vấn đề giữa lợi ích người dân địa phương, lợi ích của tỉnh và lợi ích quốc gia như thế nào. Nếu được “đặt hàng” thì MTTQ sẽ tham gia tổ chức thảo luận, vấn đề sẽ công khai, minh bạch, được xử lý thấu đáo hơn.
Theo báo cáo, trong 5 năm, MTTQ các cấp đã vận động được hơn 27.000 tỷ đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội; xây mới và sửa chữa hơn 198.000 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ hơn 9 triệu lượt người nghèo và cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam và đối tượng khó khăn với tổng giá trị gần 6.400 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, MTTQ đã tổng hợp và phản ánh đến Chính phủ 34.125 ý kiến của nhân dân về 19 nhóm vấn đề (riêng năm 2020 có 6.750 ý kiến). Thủ tướng đã giao các bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét giải quyết, có văn bản trả lời theo đúng quy định.