Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Không để xảy ra làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Việt Nam

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của người dân và thành quả phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Chiều 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19. Đến nay, liên tiếp 67 ngày nước ta không ghi nhận ca nhiễm mới tại cộng đồng.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết có các ý kiến đặt vấn đề về mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng không để dịch bệnh lây lan và đề cập đến giải pháp cho việc này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quản lý tốt, giám sát tốt, kể cả giám sát trong khu cách ly để không lây lan dịch bệnh.

Trước nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam lớn, người đứng đầu Chính phủ cho rằng quy trình, thông tin về vấn đề này cũng như thông tin chuyến bay cần minh bạch, rõ ràng đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đối tượng được vào. Mặc dù chưa mở cửa hoàn toàn, nhưng những người được phép vào thì vẫn phải có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

thuong truc chinh phu hop ve Covid-19 anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Trước những lo ngại về làn sóng thứ 2 của Covid-19 đang xảy ra ở Hàn Quốc và Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác nhằm bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của người dân và thành quả phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Từ mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Y tế phải luôn ở tình trạng báo động, sẵn sàng năng lực ứng phó để đáp ứng được các tình huống dịch bệnh xảy ra. Chính quyền các địa phương phải quan tâm hơn nữa đến các biện pháp phòng bệnh chủ động như khuyến nghị người dân phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ở nơi đông người. Nếu phát hiện người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thì khoanh vùng, dập dịch kịp thời.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ quan điểm phải bảo vệ thành quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong suốt thời gian qua, không có chuyện mở cửa ào ạt hay cho các chuyến bay của khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam từ 1/7 vì bệnh dịch đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước.

“Đây là quan điểm nhất quán và chúng ta nâng cao tinh thần cảnh giác để không vấp phải những sai lầm trong bối cảnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn cầu. Không vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định và cho biết Chính phủ sẽ xem xét thời điểm mở lại chuyến bay thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ đã kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời sẵn sàng đón các nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia và người lao động có tay nghề cao nhập cảnh vào Việt Nam.

Các địa phương không được lấy lý do phòng dịch để gây khó khăn cho những người này. Tại cuộc họp, Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội và TP.HCM lựa chọn địa điểm riêng biệt để đón các thương nhân, nhà đầu tư vào Việt Nam ngắn ngày để làm việc, đàm phán và ký các hợp đồng. Những người này khi vào các khu vực riêng biệt sẽ chỉ phải xét nghiệm nhanh, không phải cách ly 14 ngày.

Tính đến tháng 6, dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát tốt, không ghi nhận các trường hợp mắc tại cộng đồng kể từ ngày 16/4.

Từ đầu tháng 4 đến ngày 22/6, Việt Nam đã tiếp nhận 42 chuyến máy bay, cách ly hơn 9.700 công dân nhập cảnh, trong đó có khoảng 9.100 công dân Việt Nam và 650 người nước ngoài.

Ban chỉ đạo Quốc gia thống nhất tinh thần bảo đảm thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn thông qua triển khai các biện pháp cụ thể như ngăn chặn dịch xâm nhập thông qua kiểm soát nhập cảnh đường hàng không và kiểm soát đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở; tổ chức cách ly hiệu quả tại các cơ sở cách ly, tăng cường nghiên cứu khoa học, tiếp tục truyền thông phòng chống Covid-19...

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 (tính đến 16h ngày 22/6), thế giới ghi nhận hơn 9 triệu trường hợp mắc tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; hơn 470.900 trường hợp tử vong.

Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận hơn 130.900 trường hợp mắc và hơn 3.800 trường hợp tử vong. Trong đó, Singapore ghi nhận số mắc cao nhất (hơn 42.300), Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (gần 2.500); 4 quốc gia chưa ghi nhận tử vong do dịch Covid-19 (Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào).

Châu Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới. Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, với trên 2,2 triệu ca mắc và trên 120.000 ca tử vong.

Hiện, Hàn Quốc và Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ diễn ra làn sóng dịch Covid-19 thứ 2.

Tại Hàn Quốc, dịch đang có xu hướng lan rộng ra các địa phương khác ngoài Seoul, đồng thời số ca nhiễm mới hàng ngày có xu hướng tăng nhẹ. Tại Trung Quốc, thành phố Bắc Kinh đã ghi nhận 236 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến ổ dịch tại chợ đầu mối Tân Phát Địa từ 11/6 đến nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị Quân chính toàn quân

Thủ tướng tin tưởng và nhấn mạnh mỗi cán bộ, chiến sĩ cần tiếp tục phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm