- Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Từ 15h50 đến 16h35, Thủ tướng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trả lời chất vấn. Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc.
- Tại kỳ họp này, Quốc hội không chất vấn thành viên Chính phủ cụ thể mà chọn bất kỳ người nào, giám sát theo các nghị quyết kể từ kỳ họp thứ hai.
- Ngày 30/10, hàng loạt bộ trưởng đã trả lời chất vấn đại biểu như bộ trưởng các bộ Công Thương, Y tế, Giáo dục, Công an, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng thanh tra Chính phủ...
- Ngày 31/10 và sáng 1/11, các Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam cùng hơn 10 bộ trưởng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao trả lời chất vấn, tranh luận của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu đăng đàn.
-
Trục lợi từ chính sách với người có công
Bộ trưởng LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung: Thời gian vừa qua, việc xem xét, công nhận người có công đang tiến hành theo quy định, đặc biệt là giải quyết hồ sơ tồn đọng của người có công đang được tiến hành quyết liệt và từng bước có hiệu quả nhất định. Tổng thể thì thấy chính sách người có công đã được đảm bảo nghiêm minh, đúng, đủ, kịp thời. Cả hệ thống chính trị đều quan tâm vấn đề này. Nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương từng bước đã đưa vấn đề này trở thành văn hóa trong ứng xử.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách qua gần 70 năm qua cho thấy còn hiện tượng và có hiện tượng trục lợi chính sách. Gần đây, Bộ đã quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm này. Bộ và các địa phương đã phát hiện và đình chỉ thực hiện chính sách hơn 6.500 trường hợp bao gồm: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Kết thúc thanh tra đến tháng 8/2018 ở 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô, toàn bộ hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015-2018 với tổng số hơn 66.000 hồ sơ. Đến nay, Bộ trưởng đã quyết định đình chỉ chính sách gần 2.300 trường hợp hưởng chính sách không đúng. Việc không đúng này không phải tất cả đều khai man, có trường hợp khai man, có trường hợp giả mạo, có trường hợp thương binh thật nhưng hồ sơ không đầy đủ thì cũng phải thực hiện tạm đình chỉ.
Bộ kiến nghị thu hồi hơn 194 tỷ đồng. Bộ, ngành, địa phương xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về các chính sách người có công, nhất là xử lý về đảng, hoặc phạt hành chính. Các cơ quan chức năng cũng như tòa án đã truy tố 49 vụ, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, án treo 124 người.
Như vậy, bộ và các địa phương đã rất kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm. Nhiều trường hợp thực hiện sai chính sách đã tự nguyện trả lại.
Quan điểm của Bộ là không ban hành Luật Người có công. Bộ đang tiến hành các quy trình để xem xét sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Người có công với cách mạng. Thời gian tới sẽ lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm để xem xét xử lý, tổng kết phân loại các hành vi vi phạm, cách thức trục lợi phổ biến cho cán bộ để thực thi phòng ngừa. Tiếp tục thanh tra số hồ sơ thương binh còn lại, giai đoạn 2015- 2018 trong quân đội và cả nước, thanh tra toàn bộ 320.000 hồ sơ người tham gia kháng chiến hưởng chất độc hóa học và con đẻ của trường hợp này, rà soát, xử lý nghiêm, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật và niềm tin trong nhân dân.
-
Tiến độ thanh tra 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời về tiến độ thanh tra 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương: Trong 12 dự án của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra 6 dự án. Trong đó có cả nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng giao.
Trong 6 dự án thì 4 dự án đã có kết luận. Đó là 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước và Nhà máy sản xuất tơ sợi Đình Vũ. Kết luận đã được thông báo theo quy định và có kết luận được chuyển sang cơ quan điều tra.
Với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và Sản xuất đạm Hà Bắc cũng đang nằm trong diện thanh tra, hoàn thiện. Sau khi hoàn thiện, chúng tôi báo cáo Chính phủ sau đó sẽ công bố kết luận trong thời gian sớm nhất.
Với 6 dự án còn lại, Chính phủ có giao 5 dự án cho Thanh tra Bộ Công Thương; còn lại giao cho Thanh tra tỉnh Lào Cai. Thanh tra Chính phủ sẽ rà soát với thanh tra tỉnh và thanh tra bộ để thực hiện. Thực hiện kết luận thanh tra đúng quy định của pháp luật.
-
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về sở hữu chéo
-
Phân hiệu đại học không phải là pháp nhân
Trong sáng nay, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nêu vấn đề điều 21 Luật Giáo dục năm 2012 quy định phân hiệu đại học không có tư cách pháp nhân. Trong khi đó, điểm a khoản 5 điều 10 Thông tư 08 năm 2014 của Bộ GD&ĐT nói rằng phân hiệu đại học có con dấu có tài khoản tức có tư cách pháp nhân. “Thông tư của bộ quy định như vậy có trái với luật không, với khẳng định trong báo cáo của bộ là đã quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29, Nghị quyết 19 không?”, ông chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định quy định không mâu thuẫn, không trái quy hoạch.
Theo điều 74 Luật Dân sự, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đủ 4 điều kiện: được thành lập theo quy định của bộ máy này và các luật liên quan, có cơ cấu tổ chức theo quy định tại điều 83 Luật Dân sự, có tài khoản độc lập với các cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó, nhân danh mình tham gia các hoạt động pháp luật một cách độc lập.
Theo khoản 5 Thông tư 08 năm 2014 của Bộ GD&ĐT, phân hiệu của đại học vùng có con dấu và tài khoản riêng nhưng không có tư cách pháp nhân vì nó là một đơn vị thuộc đại học vùng, chịu quản lý của đại học vùng, không có tài sản độc lập với đại học vùng, không nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Như vậy, phân hiệu đại học vùng chưa đáp ứng 4 điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của điều 74 Luật Dân sự.
Quy định của Thông tư 08 phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học. Vì chỉ là một bộ phận trong cơ cấu của đại học, trường đại học, không phải một cơ sở giáo dục đại học độc lập, quy hoạch mạng lưới các trường đại học hiện hành theo Quyết định 37/2013 của Thủ tướng không quy định đối với phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học.
-
Không dùng tiền Nhà nước sửa cầu Vàm Cống
Trả lời tranh luận của ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) về kinh phí thuê tư vấn thẩm tra, sửa cầu Vàm Cống, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói: Về một số sự cố trên cầu Vàm Cống, đây là dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, hết sức quan trọng. Trong dự án này Chính phủ Úc đã tài trợ cho chúng ta không hoàn lại 100 triệu USD để phát triển cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh.
Ngoài ra, Chính phủ Úc tài trợ không hoàn lại cho công tác tư vấn. Do đó, riêng cây cầu Vàm Cống khi xảy ra sự cố kỹ thuật, Chính phủ Úc sử dụng tiền viện trợ còn lại tiếp tục hỗ trợ cho dự án… Có nghĩa là công tác liên quan đến thiết kế, sửa chữa và tổng kiểm tra chất lượng sau khi sử dụng thì dùng nguồn vốn của Chính phủ Úc… Chúng ta hoàn toàn không sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.
Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Thể trả lời về sức khỏe công trình này: Về cầu Vàm Cống, đây là công trình quan trọng tại ĐBSCL. Công trình chúng ta sử dụng vốn ODA và các đơn vị nước ngoài thi công. Khi thi công phát hiện một vài yếu tố liên quan đến chất lượng, chúng tôi tổ chức đấu thầu quốc tế xem xét nguyên nhân.
Sau khi có nguyên nhân, chúng tôi đã trình hội đồng phương án sửa chữa. Theo kế hoạch cuối năm 2018 dự án sẽ hoàn thành. Đây là dự án quan trọng, chúng tôi đang đấu thầu tư vấn, sau khi sửa chữa xong, sẽ kiểm định toàn cầu để đảm bảo an toàn. Đầu năm 2019 sẽ kiểm định toàn cầu. Hy vọng đến tháng 6/2019 sẽ khánh thành.
-
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) có 2 câu hỏi: Kỳ họp trước tôi có ý kiến về rà soát lại các hoạt động kinh doanh của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Xin Bộ trưởng cho biết thời gian qua có thay đổi gì trong chính sách hoạt động kinh doanh của các đơn vị thuộc Bộ?
Ngành Y tế đã tiến hành tự chủ rất quyết liệt trong thời gian vừa qua. Quan điểm của Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các đơn vị quân y của mình?
-
Theo số liệu do Chủ tịch Quốc hội cung cấp, phiên chất vấn lần này đạt kỷ lục với hơn 140 đại biểu chất vấn và hơn 80 lượt tranh luận.
-
Sau giờ giải lao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn phát biểu, trả lời một số vấn đề đại biểu nêu. Theo Thủ tướng: Gần 75 năm sau ngày độc lập, gần 45 năm sau thống nhất và hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công trong phát triển và giảm nghèo. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam” ghi nhận trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục triệu người.
-
Tăng trưởng ấn tượng kể từ khi Đổi Mới
Theo Thủ tướng:
Mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi Mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.
Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ đô-la Mỹ năm 1985 lên ước đạt 244 tỷ đô-la Mỹ năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 đô-la Mỹ nay đã tăng lên gần 2.540 đô-la Mỹ (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 đô-la Mỹ).
Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Mỹ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần…
-
Nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững
Thủ tướng: Chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách phát triển tam nông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế và xã hội; củng cố năng lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, sẵn sàng ứng phó và không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay trước bất kỳ các thách thức và mối đe dọa nào có thể xảy đến.
-
Thu nhập bình quân đầu người 18.000 USD vào năm 2045
Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì theo Thủ tướng, đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 – 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.
Thủ tướng nhìn nhận mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. "Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc", ông nói.
-
Thách thức từ cách mạng 4.0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi tin rằng nhiệm vụ phát triển đặt ra cho Việt Nam trong 5-10 năm tới và xa hơn đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa mà chúng ta đang phải đối mặt. Tôi xin nêu ví dụ:
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có đặc trưng là sự phát kiến một loạt các công nghệ mới kết hợp giữa thế giới vật lý với thế giới kỹ thuật số và sinh học; tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế. Nhiều thành tựu và tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, siêu máy tính di động, robot thông minh, xe tự lái, công nghệ sinh học vv….Tất cả những điều này đem đến cho chúng ta khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu chúng ta không biết nắm bắt cơ hội hoặc bàng quan vô cảm trước các chuyển động xu thế công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa.
Một trong những thách thức nổi lên từ Cách mạng 4.0 là làm tăng nguy cơ mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống. Những lao động giản đơn rất dễ bị thay thế, trong khi đây lại là đối tượng dễ bị tổn thương thu nhập. Việt Nam là một trong những nước chịu thách thức lớn của khả năng thay thế lao động trong các ngành công nghiệp truyền thống, sử dụng nhiều lao động. Do vậy, chúng ta cần chuẩn bị cho mình những điều kiện then chốt, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao.
-
Đàn chim muốn bay nhanh phụ thuộc vào con chim cuối đàn
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng khẳng định nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau. Có câu nói: “một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ thêm với các đại biểu: đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn.
"Nếu tất cả 63 tỉnh thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa", Thủ tướng chia sẻ.
-
Không để tái diễn vụ Con Cưng hay phạt tiền khi đổi 100 USD
Theo Thủ tướng, hơn lúc nào hết, chúng ta cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
"Chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Nhân đây tôi đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng", Thủ tướng nói.
-
Kết thúc bài trình bày, Thủ tướng cảm ơn các đại biểu Quốc hội về những ý kiến thảo luận, chất vấn đã giúp Chính phủ nhận diện rõ nét hơn những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra.
Ông đề nghị tất cả hãy cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này.
-
Không được sơ sài, vô trách nhiệm
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), Thủ tướng nói: Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều nằm trên cổ tay. Và cổ tay đó chụm lại trước sự đoàn kết, trong Chính phủ với 30 đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, 6 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Có một câu cho rằng "trăm dâu đổ đầu tằm". Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém.
Các biện pháp được đưa ra khắc phục, Thủ tướng phải chỉ đạo, đông đốc tốt hơn đối với các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Thực tế cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt. Ngược lại còn có sự trì trệ sai sót lớn do điều hành mà gây ra.
Thứ hai, các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác. Nhất là phương pháp nêu gương, kiểm tra các cục vụ, viện và cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng trên nóng dưới lạnh.
Thứ ba là tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát cơ sở, sát địa phương, để không "đuổi gà qua đám giỗ", sơ sài vô trách nhiệm, sợ gian khổ.
Thứ tư nêu không làm được, vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp.
Nhân đây trước tâm tư của các bộ trưởng và ý kiến đại biểu Quyết Tâm, tôi muốn nói với một nước đông dân đông dân như nước ta, Chính phủ, trưởng ngành điều hành công việc rất phức tạp, rủi ro, cũng mong đại biểu Quốc hội thông cảm vì anh em phần lớn làm nhiệm kỳ đầu.
Sáng cùng ngày, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn:
Trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa rồi cho thấy sự tín nhiệm, ghi nhận, trân trọng của đại biểu Quốc hội với những nỗ lực, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ. Nhất là sự tín nhiệm rất cao của đại biểu đối với Thủ tướng. Song qua đó cho thấy sự tín nhiệm, đánh giá của đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ có số phiếu cao thấp khác nhau.
Dù biết rằng có một số bộ trưởng đã có nhiều giải pháp để khắc phục những hạn hế, yếu kém từ nhiều năm trước và bước đầu có hiệu quả nhưng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng để thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ của một số thành viên Chính phủ.
Từ đó, tôi đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của mình hoạt động đều tay, trách nhiệm, hiệu quả hơn.
-
135 đại biểu đặt câu hỏi, 82 tranh luận
Chốt lại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói:
Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới cải tiến, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tổng cộng đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt ý kiến tranh luận.
Các thành viên Chính phủ trong đó có 19 bộ trưởng, 2 phó thủ tướng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm quản lý điều hành của mình.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng đã có bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ, và trực tiếp trả lời câu hỏi của một số đại biểu.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn có thể coi là một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Nội dung chất vấn có phạm vi rộng, nhiều nội dung liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở hầu hết lĩnh vực hành pháp, tư pháp. Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu và người chất vấn mà còn các đại biểu với nhau để làm rõ vấn đề.