Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành phần lớn buổi sáng 17/11 để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Những câu hỏi liên quan đến nợ công, tham nhũng lãng phí, bổ nhiệm cán bộ sai quy định được các đại biểu thẳng thắn đặt ra với Thủ tướng.
Trong khoảng hai giờ, toàn bộ 36 đại biểu đăng ký đều được đặt câu hỏi chất vấn tới Thủ tướng. Trong đó, 29 đại biểu đã được Thủ tướng trả lời trực tiếp, 7 đại biểu sẽ được trả lời bằng văn bản.
Nợ xấu như cục máu đông tiềm ẩn rất nhiều rủi ro
Đại biểu Lê Quân ví “nợ xấu như cục máu đông tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”. Từ đó, ông chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các giải pháp để giải quyết.
Thừa nhận nợ xấu đang là vấn đề quan trọng trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung vào thu hồi nợ, thu giữ, định giá, phát mại tài sản; cải cách thủ tục tố tụng, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không để dự án thua lỗ trở thành gánh nặng của nền kinh tế. Ảnh: Tiến Tuấn.
|
Trả lời băn khoăn về tương lai của hiệp định thương mại TPP trong bối cảnh hiệp định này không nhận được sự đồng thuận của tổng thống Mỹ mới đắc cử, Thủ tướng khẳng định: “Không tham gia TPP chúng ta vẫn hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới”.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường đặt câu hỏi: “Báo cáo Chính phủ đề cập tình trạng tài sản công sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Chính phủ báo cáo Quốc hội về 5 dự án thua lỗ lớn, Thủ tướng cho biết quan điểm xử lý đối với các dự án này?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết không sử dụng tiền thuế của dân để bù vào các dự án thua lỗ: “Nếu không sử dụng được thì bán, thậm chí cho phá sản. Không để các dự án thua lỗ này là gánh nặng của nền kinh tế”.
Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài
Đại biểu Nguyễn Thái Học nêu ra một thực trạng đáng lo ngại. Theo đó, Bộ Nội vụ thống kê trong 2015 có 75% công chức, 82% viên chức trên tổng số công chức, viên chức vi phạm có tham ô cờ bạc, sinh con thứ ba.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng nêu chất vấn về quy trình bổ nhiệm cán bộ. Trong đó, nhiều lãnh đạo bổ nhiệm người thân, họ hàng, cán bộ suy thoái vào vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, sau quá trình thanh tra, hầu hết các vụ việc đều được kết luận là “đúng quy trình”.
Đây cũng là câu hỏi được đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt ra với Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại phiên chất vấn trước đó. Ông Phương cho rằng cụm từ “đúng quy trình” đang được dùng để làm “rèm che” nhằm bao biện cho nhiều sai trái trong bổ nhiệm cán bộ, công chức.
"Người giỏi được bổ nhiệm làm lãnh đạo là hồng phúc quốc gia nhưng người xấu làm lãnh đạo sẽ làm suy yếu quốc gia. Vậy giải pháp của Thủ tướng như thế nào để bổ nhiệm được người tài dù họ có chân trời, góc bể để góp phần xây dựng đất nước?", đại biểu Trí hỏi Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định loại bỏ cán bộ thoái hoá, biến chất ra khỏi bộ máy là yêu cầu cấp bách. Vì thế, cần những chủ trương và giải pháp cụ thể. “Bác Hồ nói cán bộ lấy đức làm gốc, vì thế xử lý nghiêm khắc các cá nhân tập thể vi phạm là biện pháp cần thiết”.
Bên cạnh đó, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm phải đi liền với việc công khai minh bạch. “Quyền lực phải được kiểm soát”, Thủ tướng nhận định. Một giải pháp khác được Thủ tướng đưa ra là thay đổi cơ chế quản lý nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho, nhất là trong lĩnh vực tài chính, chính sách, tài nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận được một câu hỏi về các thành viên Chính phủ từ đại biểu Lê Thanh Vân. Đại biểu Vân đề nghị Thủ tướng cho nhận xét đó có phải “là những cộng sự tốt của Thủ tướng để vận hành Chính phủ liêm chính, kiến tạo?”.
Trả lời câu hỏi, Thủ tướng chia sẻ: “Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài, nhưng đều chung một bàn tay, đều hướng về việc quản lý đất nước theo luật pháp. Trong 27 thành viên Chính phủ có nhiều đồng chí xuất sắc. Có những đồng chí mới cần phấn đấu hơn. Với tinh thần một cây làm chẳng nên non, tập thể Chính phủ đồng tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo”.
Đã đến lúc văn hoá từ chức áp dụng tại Việt Nam
Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc một lần nữa đề cập đến văn hoá từ chức. Nhà sử học này đã có nhiều kiến nghị về việc áp dụng điều này tại Việt Nam. Ông Dương Trung Quốc khẳng định đây là thời điểm chín muồi và Đảng phải có nghị quyết về việc này.
“Thủ tướng cũng đã đề ra xây dựng Chính phủ liêm chính, loại những phần tử tha hoá biến chất ra khỏi bộ máy. Đã đến lúc nên có cả hành lang pháp lý để những người liêm chính nhưng năng lực kém rời vị trí của mình. Vậy Thủ tướng có mong muốn xây dựng cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho văn hoá từ chức hay không?”, ông Quốc hỏi.
Đại biểu Dương Trung Quốc đã nhiều lần kiến nghị nên áp dụng văn hoá từ chức tại Việt Nam. Ảnh: Quochoi.vn. |
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phùng Văn Hùng chia sẻ văn hoá từ chức là một nét đẹp của văn hoá đạo đức công vụ, được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Ở nhiều nước, khi phát sinh những vẫn đề nghiêm trọng, người đứng đầu cơ quan xin từ chức để thể hiện trách nhiệm của mình trước nhân dân.
Đại biểu Hùng cũng cho biết cử tri rất mong muốn văn hoá từ chức được áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này vẫn chưa thành hiện thực.
Trước đề xuất này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến. “Có những người do sức khỏe, do trình độ, do việc gia đình có thể không tiếp tục công tác, họ xin từ chức. Chúng tôi sẽ nghiên cứu văn hóa từ chức trong những trường hợp cụ thể”, Thủ tướng thông tin thêm.
Phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng trước Quốc hội
Về trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, phát biểu sau phiên chất vấn sáng 17/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phê phán nghiêm khắc trước Quốc hội và cử tri đối với nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng do có những vi phạm khuyết điểm trong tổ chức cán bộ gây hậu quả nhiêm trọng, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan tăng cường công tác giám sát, đánh giá cán bộ, kịp thời xử lý vi phạm cán bộ, công chức nhất là lãnh đạo quản lý, người đứng đầu. Nhanh chóng tạo cơ sở pháp lý để xử lý công bằng, nghiêm minh cán bộ kể cả khi đã chuyển công tác hay về hưu.