Sáng 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của thành phố 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2017 và xem xét những đề xuất, kiến nghị của thành phố.
Hà Nội xin linh hoạt trong xử lý tài chính
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, cho biết 9 tháng năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,1%, dự kiến cả năm tăng 8,5%. Thu ngân sách Nhà nước đạt 146.400 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ.
Hà Nội thu hút 398 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư dự kiến 2,16 tỷ USD, 22 dự án thu hút đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 60.000 tỷ đồng. Thành phố đã triển khai giải phóng mặt bằng 1.742 dự án với tổng diện tích hơn 7.000 ha.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất 21 vấn đề lên Chính phủ. Ảnh: Thắng Quang. |
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Hà Nội đã nêu hơn 20 kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng. Về để đẩy nhanh các dự án hạ tầng quan trọng, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi điều 17 (Luật Đầu tư) công theo hướng: “Đối với Hà Nội, giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách”.
Trong khi chờ Quốc hội xem xét, sửa đổi, UBND Hà Nội đề nghị Chính phủ ủy quyền cho HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách thành phố.
Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ phân cấp cho được linh hoạt trong việc quản lý, điều hành và sử dụng quỹ dự trữ tài chính của thành phố; tháo gỡ vướng mắc trong việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin, xử lý rác thải, phát triển du lịch...
Đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm phục vụ
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, 2 năm qua, Hà Nội phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại... nhất là tăng trưởng kinh tế đạt kế hoạch, có nhiều mô hình kinh tế mới, cách làm mới sáng tạo...
Theo Thủ tướng, người dân thủ đô cảm nhận được tinh thần kiến tạo của các sở, ngành, quận, huyện về sự cố gắng phục vụ nhân dân. “Tất nhiên phải cầu thị hơn nữa, tiến bộ hơn, cố gắng hơn nữa, có công cụ đánh giá chính xác hơn nữa.... nhưng nhìn chung có chuyển biến”, Thủ tướng nói.
Về trật tự văn minh đô thị, người đứng đầu Chính phủ nhận định Hà Nội có nhiều chuyển biến rõ nét, cây xanh nhiều hơn, thành phố sạch hơn, ngăn nắp hơn. Hà Nội đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người với nhiều thành tích trong văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, nhất là chất lượng giáo dục đào tạo hệ phổ thông, mẫu giáo.
Thủ tướng cũng đánh giá cao ý tưởng của Hà Nội trong quản lý nhà nước, ví dụ việc hạn chế xe máy từ nay đến 2030. Đây là những ý tưởng tốt trong phát triển quản lý giao thông đô thị...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Thắng Quang. |
Về các đề xuất của Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý và giao cho Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành, UBND Hà Nội rà soát chủ động xử lý.
Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo thành phố khắc phục mạnh mẽ tình trạng tham nhũng vặt khiến người dân bức xúc. Về cải cách hành chính, nhiều cơ sở còn nhiều vấn đề, chưa chuyển đổi mạnh mẽ như thủ tục khai tử (ở phường Văn Miếu - PV) tuy không phải lớn nhưng vấn đề phản cảm đó phải rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là hệ thống cơ sở.
"Quan điểm cho giá trí cốt lõi nguyên tắc của Hà Nội là phải 'xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương'. Là thành phố hòa bình thì chúng ta phải hòa bình, vì là thành phố văn minh, văn hiến, chúng ta phải có bản sắc. Thượng tôn pháp pháp luật là vấn đề rất quan trọng. Không có kỷ cương phép nước tốt, chúng ta khó điều hành lãnh đạo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Kết lại buổi làm việc, người đứng đầu Chính phủ cũng nêu ra một số chương trình hành động để Hà Nội tham khảo như hợp tác phát triển rất quan trọng; định hướng quy hoạch chiến lược phát triển khoa học công nghệ; tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất; hành động, sáng kiến và năng lực quản lý...
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng muốn Hà Nội kiến tạo và phát triển, mục tiêu là đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm phục vụ của thành phố, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, môi trường sống tốt nhất.
"Hà Nội phải là nơi điển hình thu hút người tài, người giàu, người dân có văn hóa, có nghề nghiệp. Mọi người đều bình đẳng và có cơ hội phát triển tại Hà Nội, nói cách khác hơn là thành phố đáng sống", Thủ tướng khẳng định.