Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế điều động bác sĩ và lực lượng chuyên môn, thiết bị về Bắc Ninh để xét nghiệm sán lợn cho học sinh; Bộ Công an khẩn trương làm rõ nguyên nhân.

Sáng 18/3, trong cuộc họp với Bộ trưởng Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều động ngay các bác sĩ, lực lượng chuyên môn cùng với thiết bị về Bắc Ninh để xét nghiệm sán lợn cho học sinh các trường học ở huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.

tre em nhiem san lon anh 1
Phụ huynh lo lắng cho con đi xét nghiệm tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương. Ảnh: Việt Hùng.

Thủ tướng nhấn mạnh không để lặp lại tình trạng hàng trăm gia đình phải đưa các em về Hà Nội xếp hàng làm xét nghiệm từ 3h sáng. Thủ tướng giao Bộ Công an khẩn trương làm rõ nguyên nhân của việc nhiễm sán lợn và sớm công khai kết quả. Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Y tế chỉ đạo các trường học trong cả nước phải thực hiện ngay các giải pháp về cung cấp thực phẩm và thức ăn cho các trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan thông tin trong việc đưa tin đúng sự thật, không gây hoang mang xã hội. Đồng thời ông nêu rõ, nếu báo chí đăng tải thông tin về các sự việc nghiêm trọng xảy ra thì lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải xem xét, tổng hợp, xử lý giải quyết ngay.

'Quá độc ác khi đưa thực phẩm bẩn vào trường học vì lợi nhuận' Nhiều gia đình ở Thuận Thành, Bắc Ninh, có con bị nhiễm sán lợn rất bức xúc cho rằng công ty cung cấp thực phẩm vào trường học đã làm hại các em nhỏ, vì chạy theo lợi nhuận.

Hàng nghìn phụ huynh hoang mang đưa con đi xét nghiệm

Trong 3 ngày từ 15 đến 17/9, Phòng khám chuyên khoa của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (34 Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chật kín phụ huynh đưa con đi xét nghiệm sán lợn. Những người này hầu hết là cha mẹ của các em học sinh mầm non ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Ai cũng trong tâm trạng hoang mang, lo lắng, có người bật khóc khi biết con mình dương tính với sán lợn.

Tính đến 21h ngày 17/3, gần 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được khám sán lợn ở 2 bệnh viện của Hà Nội. 209 bé có xét nghiệm dương tính.

Trước đó, cuối tháng 2, clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương khiến nhiều người lo lắng.

Kết quả kiểm tra cho thấy 2/3 học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lợn.

Sán lợn gây bệnh như thế nào?

Sán gạo heo (sán lợn) là bệnh mạn tính có tổn thương ở da, cơ, não... Chúng có thể tồn tại trong cơ thể người rất lâu. Tùy từng vị trí sẽ có các biểu hiện khác nhau.

Ở da: Các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường. U nang sán thường nổi ở mặt trong cánh tay, sau nhiều năm sẽ bị vôi hoá, lúc này có thể phát hiện được bằng X-quang.

Ở não: Biểu hiện như một u nang trong não hoặc có thể gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu như tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có thể bị liệt, có thể bị đột tử.

Ở mắt: Nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng gây giảm thị lực hoặc bị mù tuỳ theo vị trí của ấu trùng trong mắt.

Ở cơ tim: Làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi, bệnh nhân bị ngất xỉu.

Ấu trùng sán dây lợn có thể tồn tại dưới âm 20 độ C. Ở âm 20 đến 0 độ C, nó sống được gần 2 tháng và trong nhiệt độ phòng thí nghiệm sống được 26 ngày. Do đó, nếu muốn dùng thịt sống, người dùng phải ướp thịt ở âm 10 độ C trong 4 ngày mới bảo đảm. Nhiệt độ 50-60 độ C, ấu trùng sán sẽ chết sau 1 giờ.

Bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn thịt lợn tái hoặc chưa nấu chín; nên ăn chín, uống sôi, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước. Không nuôi lợn thả rông. Khi mua thịt ngoài chợ phải quan sát miếng thịt, nếu có các dấu hiệu lạ như nổi u, có đốm trắng, tuyệt đối không mua. Bệnh nhân nghi nhiễm sán cần được khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Hơn 55 tỉnh thành có người bị nhiễm sán lợn Theo số liệu thống kê mới nhất từ các cơ sở điều trị đến nay, đã có ít nhất 55 tỉnh thành có trường hợp người dân mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Nhiễm sán lợn có thể chữa khỏi, phụ huynh không nên hoang mang

Việc điều trị cho người nhiễm sán trưởng thành rất đơn giản, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê thuốc uống một lần.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm