Buổi gặp mặt có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
500 thương binh nặng có mặt là đại diện cho hơn 12.000 thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trong cả nước. Các đại biểu đều mất sức lao động từ 81% trở lên, trong đó có hàng chục người bị mất thị lực, di chuyển bằng xe lăn hoặc phải dùng chân giả. Có 44 đại biểu là nữ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng khen cho 72 thương binh nặng tiêu biểu, đồng thời gửi lời chúc các thương binh vượt qua mọi khó khăn của bệnh tật, tiếp tục phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", là tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo.
Nhiều thương binh vượt qua bệnh tật, làm kinh tế giỏi được tuyên dương tại sự kiện. Tiêu biểu như ông Hoàng Văn Tuyên (Hà Nam). Dù là thương binh nặng nhưng khi trở về cuộc sống đời thường, ông Tuyên phấn đấu trở thành giám đốc công ty may, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động (phần lớn là con em thương binh, gia đình chính sách).
"500 đồng chí thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc là tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường trong học tập, công tác, không ngừng nỗ lực tham gia xây dựng quê hương, đất nước và gia đình. Dù phải chịu nhiều vết thương chiến tranh, các thương binh vẫn giữ vững ý chí, nghị lực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Các đại diện thương, bệnh binh có mặt tại sự kiện. Ảnh: Ngọc Tân. |
Cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng được hưởng chính sách ưu đãi. Trong đó có hơn 2 triệu thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ.
Theo Bộ LĐTB&XH, Nhà nước dành hơn 32.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm để thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Hiện, hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.