Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng gặp các CEO hàng đầu thế giới ngành công nghệ

Sáng 19/1 giờ Thụy Sĩ, bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn ngành CNTT thế giới.

Bên lề Hội nghị thường niên WEF tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại cởi mở và thẳng thắn với lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và một số lĩnh vực liên quan là những doanh nghiệp thành viên của WEF.

thu tuong doi thoai CEO cntt davos 2017 anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ và thảo luận về khả năng hợp tác giữa Việt Nam và các tập đoàn lớn trên thế giới. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại buổi đối thoại, với tinh thần cởi mở, sẵn sàng chia sẻ thông tin về Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi diện mạo thế giới và phương thức sống và làm việc của con người. Tại Việt Nam, lĩnh vực CNTT đang phát triển bùng nổ và từng bước “thông minh hóa” nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục ...

Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang cần, trong đó có CNTT. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, coi sự thành công của các nhà đầu tư là thành công của chính mình.

Sau phần phát biểu, Thủ tướng đã trả lời nhiều câu hỏi từ các nhà lãnh đạo các tập đoàn CNTT và các lĩnh vực khác.

Trong đó, công ty UPS đã thảo luận với thủ tướng về khả năng đưa đội máy bay của UPS (Mỹ) vào Việt Nam và thuê các phi công Việt Nam cho đội bay của mình. Thủ tướng cũng thảo luận với công ty Mitsubishi (Nhật Bản) về vai trò của các công ty nước ngoài tại Việt Nam hay với công ty MMC International (Mỹ) về chiến lược phát triển của Việt Nam từ 2016 đến 2020, trong đó có nội dung tái cơ cấu ngành tài chính và bảo hiểm.

Công ty Siemens (Đức) cũng đã gặp Thủ tướng và đề xuất phối hợp với cơ quan, tổ chức của Việt Nam để xây dựng một chương trình đào tạo cho các thực tập sinh và sinh viên của Việt Nam ngay tại Siemens.

Cùng ngày, Thủ tướng có các cuộc tiếp chủ tịch các tập đoàn hàng đầu thế giới như Alphabet (chủ sở hữu Google), Prudential ông Paul Manduca, Carlyle, Qualcomm hay Swiss Re.

Ông Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn tập đoàn Prudential (Anh) mở rộng kinh doanh ở Việt Nam, có nhiều chương trình và dự án thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bảo hiểm, dịch vụ tài chính ở Việt Nam.

Thủ tướng cũng khẳng định ủng hộ tập đoàn Alphabet-Google (Mỹ) mở văn phòng ở Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển công nghệ thông tin và đề nghị Google bảo đảm đưa tin chính xác, thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp, đào tạo nhân lực. Người đứng đầu Chính phủ cũng mời tập đoàn Google tham gia ABAC (Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC) và dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2017.

Tại buổi tiếp lãnh đạo tập đoàn Carlyle, tập đoàn Qualcomm (Mỹ) và tập đoàn Swiss Re (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam đang thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh ở Việt Nam; có nhiều tiềm năng lớn trong phát triển ngành công nghệ thông tin; đề nghị tập đoàn Qualcomm tiếp tục mở rộng sản xuất điện thoại thông minh/vệ tinh, ứng dụng mạng 4G và 5G ở Việt Nam.

Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường CNTT, viễn thông tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay, khoảng 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới; hơn  một nửa dân số sử dụng Internet.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy vi tính, máy ảnh và các loại linh kiện đạt hơn 55 tỷ USD. Việt Nam nằm trong top 10 khu vực châu Á-Thái Bình Dương và top 30 thế giới về gia công phần mềm. Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đứng trong top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT.

Năm 2017, Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, trong đó có chương trình ưu tiên là tăng cường năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số và đổi mới, sáng tạo về CNTT là một động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu.

Thủ tướng đề nghị Jack Ma chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp

Tại hội nghị đang diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp và đề nghị tỷ phú Trung Quốc Jack Ma chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với doanh nghiệp Việt Nam.

 

 


Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm