Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân chiều 3/9, Bộ Công an cho biết Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thẻ căn cước công dân gắn chip.
Theo thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, dự án này có chi phí ước tính 2.800 tỷ đồng, dự kiến triển khai đầu năm 2021.
Dự án sẽ được triển khai đồng bộ, song hành với dự án dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an sẽ hợp nhất ban chỉ đạo của 2 dự án này và gấp rút hoàn thiện cơ sở pháp lý, sửa đổi 2 Nghị định, 12 Thông tư liên quan đến cư trú và Luật Căn cước công dân.
Thẻ CCCD mã vạch đang được sử dụng. Ảnh: N.H. |
Theo thiếu tướng Tô Văn Huệ, căn cước công dân gắn chip sẽ tích hợp thêm nhiều trường dữ liệu công dân, như thông tin về bằng lái xe, bảo hiểm hay ngân hàng.
Trong thời gian chờ cấp mẫu mới thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, người dân đang lưu hành chứng minh nhân dân hay căn cước công dân mã vạch vẫn sử dụng bình thường cho đến khi hết thời hiệu (chỉ chứng minh nhân dân 9 số thì bắt buộc phải cấp, đổi mới).
Theo quy định của Luật Căn cước công dân, người từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân. Loại giấy tờ này phải đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Hiện, mức thu lệ phí người dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số và 12 số sang căn cước công dân là 15.000 đồng/thẻ.
Chứng minh nhân dân 12 số được triển khai thực hiện từ năm 2012 tại nhiều địa phương để thay thế cho mẫu chứng minh nhân dân 9 số lưu hành trước đó. Đến năm 2016, mẫu căn cước công dân mã vạch được triển khai tại 16 địa phương với khoảng 16 triệu công dân được cấp, đổi.
Bộ Công an nhận định sẽ có nhiều loại thẻ căn cước cùng lưu hành nhưng dự kiến đến tháng 7/2021, các địa phương cơ bản thay toàn bộ chứng minh nhân dân 9 số.