Hội trường vang lên nhiều tràng vỗ tay khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví phát triển kinh tế giống như cách mà đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, khi ông chủ trì hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sáng 19/12.
Thủ tướng cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ phải có tinh thần thể thao, tinh thần bóng đá để phát triển nhanh, không thể bình bình. Ông mong muốn Việt Nam sớm là một nước phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, để trở thành công xưởng của thế giới.
7 vấn đề của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những thành công bước đầu của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam những năm qua. Chúng ta đã nội địa hóa được 40-45% nguyên liệu da giày, 15% linh kiện điện tử, 5% linh kiện điện tử tiêu dùng công nghệ cao.
Ông cho rằng số lượng doanh nghiệp tham gia công nghiệp hỗ trợ không chỉ phát triển về lượng và còn chất. Một số doanh nghiệp có năng lực, sản xuất được các loại linh kiện xe đạp, xe máy, ôtô, cơ khí đạt tiêu chuẩn. Các sản phẩm này đáp ứng một phần quan trọng sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng biểu dương một số doanh nghiệp đi đầu trong phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam như Thaco đã có 30 nhà máy sản xuất phụ trợ, có tỷ lệ nội địa hóa 40%; Samsung đạt tỷ lệ nội địa là 30%; VinFast đã nội địa hóa được 90% với dòng xe máy điện mới ra mắt…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: AT. |
Người đứng đầu Chính phủ cũng biểu dương một số địa phương đã rất nhanh chóng đi đầu trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ như Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Nam…
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra 7 tồn tại của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện tại.
Thứ nhất, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra. Từ đó dẫn đến công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp.
Các ngành công nghiệp chưa phát triển do thiếu chính sách đủ mạnh trong việc tăng cường năng lực doanh nghiệp tư nhân, chưa tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định bình đẳng. Việc lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên còn dàn trải. Chính sách phát triển công nghiệp thiếu đồng bộ, tính khả thi thấp. Công nghiệp của tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, trên tổng quan doanh nghiệp Việt Nam còn quá ít doanh nghiệp hỗ trợ, năng lực còn thấp. Năm 2016, số lượng doanh nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 4,5% của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đó là chưa nói đến năng lực kỹ thuật, hàm lượng công nghệ cao.
Yếu kém thứ ba được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra là chúng ta đã có một số cố gắng, nhưng chưa đủ lực tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ Việt Nam còn khoảng cách với các nước trong khu vực. Tư duy “sản xuất kín” vẫn còn phổ biến trong các ông chủ đầu tư.
Thứ tư, lực lượng tham gia công nghệ hỗ trợ còn chưa bắt kịp xu hướng đi lên của thế giới.
Thứ năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ kỹ năng chuyên môn chúng ta vẫn còn hạn chế. Các trường đào tạo chưa gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ sáu, sự gắn kết doanh nghiệp trong nước và FDI còn hạn chế. Nhất là một số FDI chưa chú trọng phát triển nhà cung cấp nội địa, còn khép kín trong sản xuất.
Thứ bảy, nhiều địa phương, bộ ngành chưa dành đất đai cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, công tác xúc tiến và chính sách còn yếu.
“Đất đai nằm ở đâu, ở chính các địa phương. Ví như ngành dệt may dệt nhuộm, tỉnh nào cũng từ chối. Nếu chúng ta thực thi CPTPP, nếu đối đầu với Mexico, chúng ta có thể thua cuộc trong ngành dệt may do công nghiệp phụ trợ kém”, ông nói.
Biến Việt Nam thành công xưởng sản xuất của châu Á
Thủ tướng nhấn mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, sản xuất, để biến nước ta thành một công xưởng sản xuất của châu Á, thế giới, khu vực ASEAN. Việt Nam có khát vọng phát triển nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ là ôtô, xe máy, mà có thể là Boeing sẽ sản xuất cánh máy bay ở nước ta.
Ông bày tỏ mong muốn Việt Nam là cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, các bộ liên quan, địa phương phải suy nghĩ trong định hướng phát triển công nghiệp thông minh.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị phải có một tinh thần làm việc như tầm chiến lược của HLV Park Hang-seo đã đưa Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Cup.
“Tầm nhìn bố trí đội hình, dành nguồn lực, cả thể lực và trí lực, để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đạt thành công như ông HLV người Hàn Quốc đã đưa đội tuyển tiến lên. Công nghiệp hỗ trợ phải như thế mới thành công, chứ bình bình làm sao thành công được”, ông nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải học hỏi tinh thần người Hàn Quốc, Nhật Bản, nhiều nước khác ý chí phát triển đất nước. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng cũng yêu cầu phải học hỏi tinh thần người Hàn Quốc, Nhật Bản, nhiều nước khác ý chí phát triển đất nước.
“Phải học tập những tinh thần như vậy vào phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Một tinh thần thể thao, bóng đá vào kinh tế như thế mới thành công”, ông nói.
Thủ tướng đưa ra chủ trương Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển công nghệ nguồn, tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tế Việt Nam trong công nghiệp hỗ trợ. Làm sao các sản phẩm mà ta có thể mạnh có thể làm được và sẽ cố gắng làm.
Để làm được điều này, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư lớn, tập đoàn lớn, khi phát triển công nghiệp hỗ trợ cần phải nhớ đến việc “muốn đi nhanh phải đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”.
“Tinh thần ấy như một đội bóng. Không phải Anh Đức tự nhiên đá volley được vào đâu. Mà Quang Hải đặt vào thì Đức mới volley thành công được”, Thủ tướng ví von và hội trường vang lên nhiều tiếng vỗ tay.
Cụ thể hóa mong muốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại định hướng phát triển của Đảng, đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về công nghiệp. Năm 2045, Việt Nam là công nghiệp phát triển hiện đại.
Do đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ phải bám sát mục tiêu tổng thể. Cụ thể, đến năm 2020, Việt Nam có nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nội địa, chiếm 11% toàn ngành công nghiệp. Khi đó có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia.
Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đáp ứng 70% nội địa, chiếm 14% giá trị toàn ngành công nghiệp. Nước ta có khoảng 2.000 doanh nghiệp đáp ứng được các tập đoàn đa quốc gia, có thể mang lại giá trị gia tăng rất lớn.
Doanh nghiệp lớn phải có vai trò dẫn dắt
Khẳng định muốn làm được hay không đều do chính chúng ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc đầu tiên cần nghiên cứu là học tập cách Hàn Quốc, Nhật Bản, Séc, nhiều nước khác phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông cũng nêu ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu làm rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu, đặc biệt trong lắp ráp ôtô, máy tính, thiết bị di động, dệt may, giày da… có vai trò dẫn dắt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến nghiên cứu phát triển. Bộ Công Thương và các bộ chức năng chủ trì nghiên cứu thành các chủ trương cụ thể.
Cần phát triển doanh nghiệp hỗ trợ lấy thị trường khu vực và thế giới là mục tiêu phát triển và cạnh tranh.
Bộ Công Thương cần sớm trình Thủ tướng hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là thuế, đất đai, vay ngân hàng. Cần thiết có thể đề xuất một gói tín dụng phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thủ tướng lưu ý cần chú trọng phát triển khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ, đi tắt đón đầu, làm sao phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Hiếu Công. |
“Ví như có thể bỏ một số loại thuế tiêu thụ đặc biệt với các linh kiện, thúc đẩy sản xuất. Cần phải bỏ con tép để bắt con tôm, nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển lâu dài, phát triển ngành có giá trị gia tăng lớn”, Thủ tướng nói.
Bộ Công Thương cũng cần chọn ra các doanh nghiệp có năng lực, tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo ra mô hình mới, làm hạt nhân phát triển.
Muốn làm được như vậy, Thủ tướng lưu ý không có ai thay được doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Do đó cần tạo động lực để phát triển, đặc biệt chú trọng khởi nghiệp sáng tạo.
Ông đề nghị cần coi trọng phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong doanh nghiệp. Hệ thống đào tạo nghề phải ưu tiên phát triển, đào tạo theo nhu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý cần chú trọng phát triển khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ, đi tắt đón đầu, làm sao phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đối với Chính phủ, với các ngành trung ương, cần chỉ đạo, tạo điều kiện. Các địa phương cần tạo điều kiện mặt bằng, thủ tục, khởi nghiệp sáng tạo.