Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Ông cũng nhất trí với đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19.
Dồn mọi nguồn lực dập các ổ dịch
Dẫn lại một bản tin trên báo chí đánh giá Việt Nam hành động rất sớm, rất kiên quyết và đúng thời điểm, Thủ tướng cho rằng đó là nguyên nhân mang lại thành công ban đầu, được bạn bè quốc tế và nhân dân đánh giá cao.
Thủ tướng đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, yêu cầu cơ bản dừng vận chuyển công cộng. |
Thủ tướng biểu dương cán bộ, nhân viên ngành y tế, cảm ơn Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều bác sĩ tình nguyện ở lại cùng với người bệnh nặng và nhiều bác sĩ tình nguyện khác. Đồng thời, biểu dương ngành công thương và các doanh nghiệp đã làm thành công bộ đồ bảo hộ và đặc biệt, bảo đảm đầy đủ khẩu trang cho ngành y tế.
“Hệ thống của chúng ta trên dưới một lòng, quyết tâm ngăn chặn có hiệu quả Covid-19 ở nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông, đây là thời điểm có tính chất quyết định đến cục diện cuộc chiến chống Covid-19. Vì vậy, cả hệ thống chính trị phải tập trung cao độ cho phòng chống, dịch.
Trước hết, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội, ngành công an cùng các cơ quan khác chớp thời gian, tranh thủ từng phút, từng giờ, rà soát, khoanh vùng những đối tượng nguy cơ lây nhiễm ở ổ dịch Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai.
Ngành công an phối hợp với ngành y tế làm rõ nhân thân, các mối quan hệ của nhân viên Công ty Trường Sinh để tìm hết các cá nhân liên quan dễ bị lây nhiễm.
“Tinh thần là thần tốc và cương quyết, dồn mọi nguồn lực dập bằng được ổ dịch này”, Thủ tướng chỉ đạo.
Theo người đứng đầu Chính phủ, "cách ly xã hội" là cần thiết để ngăn chặn hiệu quả việc dịch lây lan ra cộng đồng với tinh thần không được chủ quan, lơ là, bởi thực tế Việt Nam có nhiều biện pháp mạnh mẽ, nhưng một số nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo cấm tụ tập đông người, điển hình như trên đường hay bãi biển còn rất đông người. Đây thực sự là nguy cơ lây nhiễm cao.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu “tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó” ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm.
Về phía các cơ quan có thể bố trí cán bộ làm việc ở nhà và xử lý công việc qua công nghệ thông tin trừ trường hợp đặc biệt phải đến cơ quan, ví dụ như xử lý tài liệu mật, bộ phận trực sẵn sàng chiến đấu, trực cơ quan đầu não, bộ phận sản xuất dịch vụ thiết yếu, sản xuất công cụ cần thiết cho nền kinh tế…
Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm nếu để cơ quan có nhiều người lây nhiễm do không nắm vững các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Dừng vận chuyển công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân
Với quyết định đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu cơ bản dừng vận chuyển công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Đối với các bệnh viện trong toàn hệ thống, Bộ Y tế nên có quy định phù hợp để tránh trường hợp một cá nhân nhiễm Covid-19 đi khám mà ảnh hưởng đến toàn bộ bệnh viện.
Trước việc vừa qua một số địa phương kiến nghị được tự công bố các ca nhiễm Covid-19 để có ứng phó kịp thời, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục làm như hiện nay, Bộ Y tế công bố các ca nhiễm ngày 2 lần với tinh thần công khai để nhân dân hiểu rõ. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương không tự công bố thông tin này.
Thủ tướng cũng nhất trí cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục nhận điều trị bệnh nhân nặng cấp cứu, không để bệnh nhân tử vong vì không được cấp cứu, nhưng đề nghị bệnh viện phải tổ chức thực hiện chặt chẽ trên cơ sở bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và cho bệnh nhân.
Trong việc cách ly, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc tách riêng khu cách ly cũ và mới để tránh lây nhiễm chéo giữa người cũ - người mới.
Về an sinh xã hội cho người dân, Chính phủ sẽ bàn việc hỗ trợ người thu nhập quá thấp bằng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Mức hỗ trợ và đối tượng cụ thể sẽ được thảo luận tại phiên họp Chính phủ sắp tới (dự kiến diễn ra ngày 1/4).
Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo bảo đảm nguồn cung hàng hóa, lương thực thiết yếu, bảo đảm giá cả phù hợp, chất lượng, không để người dân quá khó khăn.
Riêng về vấn đề hợp tác sản xuất máy thở, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì chỉ đạo vấn đề này trên tinh thần cấp bách.