Ngày 29/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1.
Phiên họp thảo luận 5 nội dung gồm: 3 dự án luật (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi, Luật Công chứng sửa đổi) và 2 đề nghị xây dựng luật (Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi).
Thủ tướng Phạm Minh Chính. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng thể chế, thời gian qua, Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã tích cực, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, triển khai đồng bộ, hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế, với nhiều đổi mới, kết quả nổi bật, có tính lan tỏa cao.
Trong năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề; trình Quốc hội thông qua 16 luật, trong đó có luật hết sức quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bất động sản, Luật Nhà ở…
Ngoài ra, Chính phủ ban hành 29 nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật; Chính phủ, Thủ tướng ban hành 127 văn bản quy phạm pháp luật...
Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới
Năm 2024 và thời gian tới nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế ngày càng nặng nề đòi hỏi phải có chính sách mới phù hợp tình hình và chất lượng xây dựng pháp luật ngày càng phải cao hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tích cực chuẩn bị trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; đồng thời nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án luật.
Nhắc lại quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, Thủ tướng khẳng định thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; có cơ chế, chính sách để huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển; đổi mới cách làm để tạo ra nguồn lực, động lực mới, truyền cảm hứng cho toàn xã hội phát triển.
Các bộ, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế; đầu tư nguồn nhân lực, nguồn lực cho xứng tầm là đột phá chiến lược; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng luật; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính không cần thiết, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng lưu ý đến việc tạo môi trường phát triển lành mạnh, tránh “xin - cho” và phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xử lý nghiêm các vi phạm.
Cho ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thảo luận làm rõ việc áp dụng biện pháp cảnh vệ với đối tượng không phải là đối tượng cảnh vệ phù hợp với quy định của Hiến pháp cũng như sự cần thiết áp dụng biện pháp cảnh vệ với đối tượng này.
Với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ thảo luận về việc xác định đối tượng áp dụng chính sách thuế phù hợp với từng loại doanh nghiệp; chính sách ưu đãi; chế tài chống thất thu thuế; giải pháp bảo đảm tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách trong quá trình triển khai…
Với một số luật vừa được ban hành như Luật Đất đai (sửa đổi) hay luật liên quan đến bất động sản, nhà ở… Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn để sớm đưa luật vào cuộc sống, khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển.