Chiều 11/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết và các đề xuất, kiến nghị của ngành. Thủ tướng cũng đồng thời nêu các định hướng chiến lược để ngành tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Khát vọng lớn nhưng cán bộ không xứng tầm thì không làm được
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận Bộ TTTT là một trong những cơ quan tiên phong trong đổi mới, trong đó có đổi mới kinh tế với 3 trụ cột chính: Xóa cơ chế quan liêu, bao cấp; phát triển kinh tế đa thành phần và hội nhập quốc tế.
Song Thủ tướng cũng cho rằng kết quả ngành đạt được chưa tương xứng với tiềm năng lớn, nhất là tiềm năng, nguồn lực con người. “Chúng ta chưa hài lòng với kết quả công việc, tổ chức bộ máy, công tác quản trị và hiệu quả cụ thể. Tinh thần tiên phong, gương mẫu tuy mạnh mẽ nhưng vẫn có lúc trầm xuống, chưa đồng bộ, liên tục”, Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ sẽ phân cấp tối đa, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương Chính phủ sẽ phân cấp tối đa, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo Bộ chịu trách nhiệm là chính, không xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng nếu không cần thiết.
Theo nguyên tắc người đứng đầu Chính phủ đề ra, một người có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ có một đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị - xã hội, đối ngoại).
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vì đây là gốc rễ của công việc. “Khát vọng lớn nhưng đội ngũ cán bộ không xứng tầm thì không làm được việc”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Trong công tác quản lý Nhà nước, Thủ tướng định hướng Bộ TTTT tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực đi kèm cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và nguồn lực thực hiện, “không để chiến lược trên giấy”.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, đặc biệt là cho phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành mũi nhọn. Không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, phát huy tinh thần tự lực tự cường.
Trong công tác truyền thông, Thủ tướng lưu ý “việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn”. Vì vậy, phải tăng cường nhận thức, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để truyền thông là một nguồn lực, là sức mạnh.
Mục tiêu phủ sóng toàn quốc 5G vào 2022
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đa số các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ liên quan tới hạ tầng, là nền tảng nên phải đi trước. Bộ đặt mục tiêu đưa các lĩnh vực này vào top khoảng từ 30 đến 50 của thế giới vào năm 2025.
Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nêu mục tiêu Việt Nam phải làm chủ các thiết bị hạ tầng số, nhất là 5G, phủ sóng toàn quốc 5G năm 2022. Ảnh: VGP. |
Theo ông Hùng, tổng doanh thu toàn ngành năm 2020 khoảng 130 tỷ USD, tổng nộp ngân sách khoảng 5 tỷ USD.
Bộ trưởng TTTT nêu nhiều mục tiêu như Việt Nam phải làm chủ các thiết bị hạ tầng số, nhất là 5G, phủ sóng toàn quốc 5G năm 2022. Đồng thời, Việt Nam phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng; làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, anh ninh mạng (hiện đã làm chủ 90%).
Về lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số (gọi chung là công nghiệp ICT), ông Hùng định hướng cần chuyển từ lắp ráp, gia công sang “Make in Vietnam”, sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế và làm ra tại Việt Nam.
Cùng với đó, tỷ trọng “Make in Vietnam” vào năm 2025 phải đạt hơn 45% (hiện là 22%) và đạt mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào năm 2025.