Với kỳ vọng đưa Cần Thơ trở thành địa điểm nổi tiếng khu vực châu Á và tận dụng tối đa lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định giải pháp chiến lược là phải tháo gỡ được nút thắt hạ tầng khu vực này để lưu thông hàng hóa, giúp kinh tế bứt phá.
Trong 4 bài phát biểu tại hai buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, ứng cử viên đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, đã bày tỏ nhiều tâm tư, trăn trở, cũng như đề ra các giải pháp cụ thể để giúp khu vực này phát triển.
"Tôi lớn lên một phần từ sông nước nơi đây"
Tâm sự về tình cảm với Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Minh Chính chia sẻ từng có quá trình làm việc tại đây từ năm 1987 đến 1990. Khi làm Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương, ông cũng được giao phụ trách khu vực Nam Bộ.
"Tôi có mấy năm sống cùng bà con, cô bác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên có tình cảm. Tôi cũng trưởng thành, lớn lên một phần từ sông nước nơi đây. Do đó, khi được hỏi có nguyện vọng ứng cử ở đâu, tôi đã đề nghị Hội đồng bầu cử Trung ương, Mặt trận Tổ quốc cho tôi ứng cử tại TP Cần Thơ", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Nhớ về những ngày tháng từ TP.HCM đến Cần Thơ phải mất một ngày đi đường, Thủ tướng chia sẻ ông là người được hun đúc từ lịch sử vùng đất Nam Bộ nên cảm thấy phải có trách nhiệm với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Phạm Minh Chính (áo trắng, giữa) tiếp thu nhiều ý kiến cử tri. Ảnh: Thuận Thắng. |
Mong muốn của Bộ Chính trị là phát triển Cần Thơ thành trung tâm vùng. Đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nơi đây sẽ là thành phố có tiếng trong khu vực châu Á.
Nhìn lại quá trình phát triển của Cần Thơ, Thủ tướng cho biết những năm đầu thành lập, khi mới tách khỏi Hậu Giang, địa phương phát triển rất nhanh, tăng trưởng kinh tế thời kỳ đó là 13-15%. Sau này giảm dần do quy mô nền kinh tế lớn lên nên tỷ trọng tăng trưởng cũng khó khăn hơn. Bộ Chính trị trăn trở làm sao để Cần Thơ phát triển.
Một tuần trước, Cần Thơ đã đề nghị cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Thủ tướng đã giao các bộ ngành xem xét tính phù hợp của các đề xuất này.
Chính phủ gửi gắm lãnh đạo Cần Thơ phải mạnh mẽ hơn nữa. Lấy tinh thần của thời kỳ kháng chiến, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", quyết tâm đi lên bằng nội lực của mình.
Nhắc lại quá trình 35 năm đổi mới của Việt Nam, Thủ tướng nhận định việc đổi mới này dựa trên 3 trụ cột.
Trụ cột đầu tiên là xóa quan liêu bao cấp. Ông cho rằng đây là vấn đề vẫn tồn tại, một số nơi còn cơ chế xin cho. Do đó, Việt Nam hiện nay vẫn phải tiếp tục xóa quan liêu bao cấp.
Trụ cột thứ hai là thừa nhận và phát triển đa thành phần kinh tế, gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể. Ngoài doanh nghiệp Nhà nước, Việt Nam có thể nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI…
Trụ cột thứ 3 là hội nhập quốc tế. Theo quan điểm của Thủ tướng, đây là 3 trụ cột chính mà Việt Nam đang theo đuổi để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới cho phương thức lãnh đạo sát với thực tế.
3 điểm lưu ý khi làm hạ tầng
Quy hoạch được Thủ tướng nhấn mạnh là nhiệm vụ chiến lược của Cần Thơ. Ông đề nghị phải quy hoạch mọi mặt như kinh tế - xã hội, đô thị, nguồn nhân lực, du lịch, khoa học công nghệ, đất đai... Quy hoạch phải tìm thấy tiềm năng khác biệt và cơ chế chính sách cần dựa trên cơ sở này.
Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như cao tốc, sân bay, bến cảng...
Cụ thể với sân bay Cần Thơ, Thủ tướng cho rằng phải trở thành sân bay quốc tế, có cảng hàng hóa lớn, từ đó phát triển thế mạnh lúa gạo, trái cây... đưa hàng sang các tỉnh, thành và nước ngoài.
Ông Phạm Minh Chính chia sẻ kinh nghiệm từ thời làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh giáp Trung Quốc, cho thấy "bán cái gì cũng được, kể cả rác". Nếu người dân có cách để chở hàng ra Quảng Ninh thì từ đây qua Trung Quốc chỉ thêm mấy chục km nữa.
Hạ tầng đang là hạn chế của TP Cần Thơ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Thế nhưng, ông nhận định hạ tầng Cần Thơ còn nhiều hạn chế. Thủ tướng dẫn chứng cảng Cái Cui hiện nay rất ì ạch, chỉ vấn đề đường vào cảng nhưng mãi không giải quyết xong.
"Hết dịch Covid-19, tôi sẽ tranh thủ đi khảo sát cùng anh em xem bài toán là gì mà khó khăn thế này. Hôm nọ khởi công, tôi đã đi qua đoạn đường đó rồi mà tới giờ vẫn chưa làm được. Vì sao? Phải tìm hiểu, giải quyết", lãnh đạo Chính phủ quán triệt.
Để làm hạ tầng, Thủ tướng lưu ý 3 điểm.
Thứ nhất là giải phóng mặt bằng. Thứ hai là huy động mọi nguồn lực hợp pháp của nhân dân, doanh nghiệp và các nơi khác.
"Muốn làm được phải biết cách. Từ ba năm nay, tôi đã nói nhiều rồi. Nguồn lực Nhà nước thì ít nên phải phải tập trung suy nghĩ cơ chế chính sách huy động nguồn lực ngoài Nhà nước để phát triển, tháo gỡ nút thắt thể chế", Thủ tướng nói.
Thứ ba là phải truyền cảm hứng cho mọi người dân tham gia công cuộc xây dựng đất nước, khu vực mình trở nên giàu đẹp.
Riêng về nguồn lực, Thủ tướng chia sẻ cách thu hút nhà đầu tư từ kinh nghiệm khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông đúc kết khi có hạ tầng tốt, tự nhà đầu tư sẽ đến.
"Tôi từng ở tỉnh mà có mỗi con đường độc đạo, chẳng ai đến cả. Làm bí thư, mời hết ông này ông kia đến. Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Pháp... đều tới. Thế nhưng khi khảo sát xong, họ bảo 'tôi rất quý ông nhưng giao thông của ông thế này thì tôi không làm được, nhân lực thế này không làm được'. Họ ăn bữa cơm rồi về, nhưng làm cho mình day dứt, phải quyết tâm", Thủ tướng chia sẻ.
Hạ tầng là vấn đề chiến lược để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Thủ tướng cho biết để giải quyết trăn trở về vấn đề hạ tầng ở ĐBSCL, ông đã mời một số bí thư đến Cần Thơ để bàn ngay cách giải quyết, cùng nhau làm.
"Phải làm cao tốc Mỹ Thuận xuống Cà Mau cho xong, cao tốc lên An Giang, rồi vành đai xung quanh thành phố, đường ven biển. Phải có rất nhiều đường lưu thông hàng hóa. Ví dụ hàng tươi sống từ Cần Thơ đưa lên TP.HCM mà mất 3 giờ là hết tươi sống, đưa ra Bắc là chịu vì đường quá xa", ông chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của Thủ tướng, giải pháp là phải huy động nguồn lực hợp tác công tư trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Ông dẫn chứng kinh nghiệm làm sân vận động, nhà khách, công viên, xây dựng trụ sở, đường cao tốc, sân bay, bến cảng tại Quảng Ninh, tất cả sử dụng hợp tác công tư. Thực tế cho thấy cách làm này đã thành công.
Ông khẳng định muốn thu hút doanh nghiệp lớn, tất cả do chính quyền, do bài toán quy hoạch, giao thông, hạ tầng chiến lược và cải cách hành chính.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, ứng cử viên Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Abavina, thể hiện khát vọng xây dựng TP Cần Thơ trở thành một vùng kinh tế nông nghiệp trong chương trình hành động của mình.
Bà Thoa quan tâm đến vấn đề tam nông - nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Ứng cử viên chỉ ra những bất cập mà Cần Thơ phải đối mặt lâu nay là được mùa rớt giá, khó tiếp cận vốn đầu tư, thu nhập bình quân nông dân thấp.
Để giải quyết thách thức này, bà Thoa hướng tới giải pháp xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp và tăng cường năng lực lao động nông nghiệp và nông thôn, phát triển dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản, tăng vị thế của nông dân.