Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên sáng 19/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.
Đảm bảo giá điện phù hợp với thu nhập người dân
"Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số", Thủ tướng nói.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.
Trong phát triển xanh, Thủ tướng nhấn mạnh tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau", không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Về phía doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Về một số vấn đề quan tâm, kiến nghị cụ thể của nhà đầu tư, các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất", Thủ tướng cho biết.
Chia sẻ thêm về những quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này.
"Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp", Thủ tướng nhìn nhận.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân. Mặt khác, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới.
Sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết hiện nay, Thủ tướng đang yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Một mục tiêu rất quan trọng mà Thủ tướng đã chỉ đạo là cần phải bảo đảm tiếp cận năng lượng của nền kinh tế và người dân với một chi phí hợp lý", ông nói.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Việt Nam sẽ sớm ban hành Quy hoạch điện VIII điều chỉnh thể chế và hạ tầng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG… đồng thời áp dụng các dự án năng lượng tái tạo cho các khu công nghiệp.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho rằng để chuẩn bị cho tương lai, việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách và có ảnh hưởng lớn.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
"Chính phủ nên khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện đầu tư vào năng lượng tái tạo. Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy một tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch hơn, điều cần thiết là hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đưa vào một chiến lược bù đắp cho năng lượng từ than", ông đề xuất.
Đề cập đến Quy hoạch Điện VIII, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới cho rằng đây chính là kênh đầu tư cho tăng trưởng xanh.
Liên quan đến cơ chế giá và các hoạt động mua sắm đấu thầu trong các dự án về năng lượng tái tạo, bà đề xuất áp dụng một cách thức mua sắm đấu thầu bảo đảm minh bạch và mang tính cạnh tranh.
Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần có khung giá về các dịch vụ phụ trợ, đặc biệt là hệ thống pin lưu trữ năng lượng. Đồng thời, việc đầu tư vào lưới điện truyền tải cũng như đầu tư nhằm nâng cấp lưới điện cũng rất quan trọng.
"Khuyến nghị Việt Nam có thể cân nhắc khung pháp lý về nguồn tài trợ chính thức cho EVN cũng như các doanh nghiệp liên kết của EVN. Chúng tôi có thể hỗ trợ cung cấp nguồn tài chính cho lưới truyền tải và nâng cấp lưới điện nhưng lo ngại về pháp lý", bà nói.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.