Ngày 18/4, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT&TT) và Bộ Y tế tổ chức lễ ra mắt ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19.
Sau khi chứng kiến các chuyên gia, bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn cho một bệnh nhân thông qua nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khám chữa bệnh từ xa là xu thế mới và đây là dấu mốc khởi đầu để hướng tới chuyển đổi số của ngành y tế, hướng tới mục tiêu lớn hơn là quốc gia số, quốc gia thông minh.
Nhanh chóng và thuận lợi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa là hình thức mới tại Việt Nam. Ông đánh giá cao sự cố gắng của ngành y tế, thông tin truyền thông trong chuyển đổi số lĩnh vực y tế, nhất là trong thời kỳ cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19.
“Có thể nói chưa bao giờ ứng dụng công nghệ mạnh mẽ như vậy”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Thủ tướng tuyên dương các bác sĩ là những "chiến sĩ áo trắng" đi đầu, đứng vững trong hàng tuyến phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta. Ông mong muốn các bệnh viện phải tích hợp các dịch vụ khám chữa bệnh từ xa nhiều hơn nữa để giúp người dân đỡ đi lại, bớt tốn kém và nhất là thực hiện tốt quy định về giãn cách xã hội.
"Người bệnh vẫn được khám bệnh nhưng chỉ phải tới bệnh viện khi cần thiết; bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới hết sức nhanh chóng và thuận lợi. Điều đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã rất chủ động, tích cực đồng hành với Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cho rằng đây là xu thế chung mà rất nhiều quốc gia đang hướng tới và Việt Nam đang là một trong các quốc gia đi đầu trong việc này. Thậm chí một số nước đi đầu về công nghệ trong ASEAN cũng chưa thực hiện.
Bên cạnh đó, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; khám, chữa bệnh từ xa có lợi ích là công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ phức tạp; mang lại lợi ích cho người dân khi giảm chi phí.
"Sáng nay tôi cũng đã bàn là cần phổ cập thanh toán qua điện thoại di động. Cho nên cần tăng cường hướng dẫn cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và nền tảng khám chữa bệnh trực tuyến", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tiếp tục làm mạnh hơn nữa
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Ông cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển các nền tảng công nghệ trong lĩnh vực y tế như nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh, cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, phối hợp xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, kỹ thuật cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
"Đây là dấu mốc khởi đầu để hướng tới chuyển đổi số của ngành y tế và hướng tới mục tiêu lớn hơn là quốc gia số, quốc gia thông minh", người đứng đầu Chính phủ nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp theo dõi quá trình hội chẩn trực tuyến của các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia trước ngày 20/4 để ký ban hành trong tháng 4. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực của đất nước.
Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hiệu triệu các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đưa ra nhiều ứng dụng và nền tảng chuyển đổi số hơn nữa, phục vụ nhân dân.
Nhân sự kiện này, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel khi triển khai Nền tảng khám chữa bệnh trực tuyến này thì cần đào tạo, đảm bảo hệ thống chạy ổn định trên toàn quốc.
Ông cũng yêu cầu BKAV tiếp thu các ý kiến của cộng đồng người dùng ứng dụng Bluezone để hoàn thiện hơn nữa và phát huy hiệu quả sản phẩm này.
Thủ tướng yêu cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai mạnh mẽ nền tảng khám chữa bệnh từ xa, liên tục rút kinh nghiệm, là cơ sở để Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc triển khai hoạt động này.
"Điều quan trọng là phải có bác sĩ chuyên môn cao về y khoa nhưng cũng phải am hiểu công nghệ thông tin", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng 2 lĩnh vực có bước tiến quan trọng do tác động của Covid-19 là y tế và công nghệ số.
Việc khám chữa bệnh từ xa luôn đi kèm với một số thiết bị y tế như đo nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, tiểu đường, kể cả xét nghiệm Covid-19 trong tương lai gần. Các thiết bị này ngày càng rẻ theo sự tiến bộ của công nghệ.
"Đây chính là thị trường để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp thiết bị y tế tại Việt Nam. Một ngành nếu thành công thì hoàn toàn có thể đi ra toàn cầu", ông Hùng nói.
Tại buổi ra mắt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin về ca bệnh nặng là phi công người Anh - bệnh nhân số 91. Ngày hôm nay, bệnh nhân này đã đã tiến triển tốt.
Tri giác đã có cải thiện, ngành y tế đang kỳ vọng bệnh nhân này tiếp tục tiến triển tốt để có thể hồi phục. Ông cho rằng thành quả này chính nhờ có hỗ trợ chuyên môn rất tích cực từ các chuyên gia đầu ngành hội chẩn trực tuyến.