Ông Nguyễn Văn Thể chia sẻ bản thân luôn hướng về ngành Giao thông Vận tải, "có thể giúp đỡ được thì tôi luôn sẵn sàng". Ảnh: Nhật Bắc. |
Trước phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 sáng 29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhận nhiệm vụ mới - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Để lại nhiều dấu ấn
Đánh giá quá trình tham gia Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026 với hơn 5 năm đảm nhận vai trò là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ông Nguyễn Văn Thể đã để lại nhiều dấu ấn và có đóng góp quan trọng với hoạt động của bộ, ngành giao thông và thành tích của Chính phủ.
Theo Thủ tướng, trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thể đã lãnh đạo, chỉ đạo Bộ, ngành giao thông vận đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Có thể kể đến việc hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải. Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành, khởi công, triển khai nhiều đoạn, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, nhiều cây cầu lớn nối các vùng miền.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng ông Nguyễn Văn Thể nhận nhiệm vụ mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Văn Thể chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành giao thông về vốn và việc triển khai thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của bộ, ngành giao thông vận tải được chỉ đạo quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay đã giải ngân hơn 60%, thuộc tốp đầu cả nước.
Với vai trò là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, ông Thể thể hiện trách nhiệm, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng giải quyết kịp thời vấn đề cấp bách trước mắt và đề xuất vấn đề căn cơ, lâu dài, nhất là liên quan tới phát triển hạ tầng giao thông.
Thủ tướng đánh giá trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức, ông Thể là hạt nhân đoàn kết của Bộ Giao thông Vận tải.
Thủ tướng tin tưởng ông Nguyễn Văn Thể sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và mong muốn ông thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến cho Chính phủ, cho Bộ Giao thông Vận tải. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp ông Nguyễn Văn Thể hoàn thành tốt nhất vai trò Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ chụp ảnh cùng đồng chí Nguyễn Văn Thể. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đáp lời Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Thể bày tỏ xúc động và cảm ơn những ghi nhận, đánh giá cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ông cho rằng, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành nên ngành giao thông vận tải đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
"Đây là những dấu ấn tôi sẽ nhớ mãi", đồng chí Nguyễn Văn Thể nói.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ với hàng loạt công trình, dự án lớn, ngành giao thông vận tải đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành để có thêm động lực, thêm sự đoàn kết thống nhất tổ chức thực hiện. Ông Nguyễn Văn Thể chia sẻ bản thân luôn hướng về ngành giao thông vận tải và khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mới.
Dự báo tích cực về tình hình kinh tế - xã hội
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp điều hành từ nay đến cuối năm để kết thúc năm 2022 một cách thắng lợi, đạt được mục tiêu đề ra.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" vào tháng 10 năm ngoái với mục tiêu chuyển hướng chính sách, không theo đuổi "Zero-Covid" mà vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng đề nghị đại biểu dự phiên họp phân tích khó khăn, vướng mắc mà đại biểu Quốc hội đã nêu tại phiên thảo luận trong 2 ngày qua.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự phiên họp tập trung đánh giá tình hình tháng 10 và 10 tháng vừa qua, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng với nhiều điểm sáng nổi bật. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 (đứng thứ 8 thế giới). Các hoạt động sản xuất tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng; các ngành xuất khẩu chủ lực (dệt may, da giày, đồ gỗ...) phục hồi khá; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao trong 10 tháng.
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về kết quả đạt được và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023. Giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung chỉ đạo. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.
Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2022 là không nhiều, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng, áp lực lớn. Điều đó đòi hỏi quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, bình tĩnh, tỉnh táo hơn, đề cao trách nhiệm, hiệu quả hơn để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.